Nhà văn và chữ tình gởi lại

06:09, 22/09/2022
Nhà văn Trình Quang Phú vừa ra mắt tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” do NXB Hội Nhà văn ấn hành nhân ngày Quốc khánh 2/9. Tác phẩm là những câu chuyện ký ức văn học về các nhà văn, nghệ sĩ mà tác giả đã có dịp gặp gỡ, sống cùng. Hầu hết nhân vật trong tác phẩm này là nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi bài viết đều đọng sau đó tình cảm của các nhà văn, nhà thơ với văn chương, nghệ thuật. Với kinh nghiệm viết ký chân dung của mình, tác giả Trình Quang Phú không chỉ làm nổi bật “chữ tình gởi lại” của nhân vật, mà còn cho thấy rất rõ tình cảm sâu sắc, sự trân trọng của mình đối với những người bạn, người anh đã khuất.
 
Xuân Diệu và tác giả năm 1982
Xuân Diệu và tác giả năm 1982
 
Là nhà văn, nhà báo, có những đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái bản lên tới 20 lần, nhưng trong công việc, GS.TS nhà văn Trình Quang Phú đã công tác nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có nhiều dấu ấn. Theo TS. Hà Thanh Vân, chính vốn sống dồi dào đó đã khiến cho những tác phẩm của nhà văn Trình Quang Phú vừa có đặc điểm tái hiện chân thực những vấn đề của đời sống và lịch sử đất nước trong một thời đại, vừa mang dấu ấn của những suy tư, cảm nhận cá nhân về con người. Thế hệ của ông là thế hệ dùng ngòi bút viết văn để phục vụ những vấn đề cấp thiết của đất nước, dân tộc, là thế hệ mà ngày nay chúng ta vẫn trân trọng vinh danh là “thế hệ dùng ngòi bút làm vũ khí”.
 
Tác giả Trình Quang Phú chia sẻ, tập sách này ghi lại những kỷ niệm đời thường của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mà ông đã gặp, đã thân. Có những nhà văn, nghệ sĩ chỉ ghi lại bằng hình ảnh. Tất cả hình ảnh, chuyện đời thường về mỗi nhà văn là nét thời gian được giữ lại, đúng hơn là chữ tình mến yêu của họ gởi lại cho hôm nay và mai sau.
 
“Vốn là người viết văn, viết báo nhiều năm, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú đã chọn một lối viết dung dị, chân thực, nhưng tỉ mỉ, chi tiết. Đọc sách mà cảm giác như đang ngồi đối diện, nghe tác giả thủ thỉ tâm tình những câu chuyện chiêm nghiệm nhân sinh sâu sắc. Đó cũng là “một chữ tình” tác giả dành cho bạn bè, quê hương, đất nước”, nhà văn Hữu Việt đã đánh giá về Nhà văn và chữ tình gởi lại của tác giả Trình Quang Phú như vậy.
 
Nhà văn Trình Quang Phú
Nhà văn Trình Quang Phú
Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại Tuy An, Phú Yên. Ông là đại tá an ninh nghỉ hưu, nguyên là chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng, từng là trợ lý Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông từng giữ nhiều vị trí, vai trò ở một số viện, hiệp hội, câu lạc bộ. Ông là nhà báo, nhà văn sống và viết từ thời kháng chiến chống Mỹ tới nay. Một số tác phẩm đã xuất bản: Miền Nam trong lòng Bác, Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 19 lần), Từ làng Sen đến bến nhà Rồng (tái bản 20 lần), Người con gái Tuy Hòa, Ký sự xứ người...
 
Và đó cũng là cách để nhà văn Trình Quang Phú tạo được nét riêng cho mình khi vẽ lại chân dung các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ có tiếng bằng ngôn từ. Rất nhiều tác giả lớn trong đó như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Nguyễn Tuân được ông vẽ bằng một chữ Tình.
 
Trong cuốn sách này ghi lại những khoảnh khắc, những bức thư cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng nhà văn Trình Quang Phú vẫn lưu giữ được. Những tư liệu, hình ảnh, lẫn ký ức sâu đậm về các nhà văn, nghệ sĩ, không chỉ cho thấy sự chuyên nghiệp của một nhà văn, nhà báo mà còn cho thấy sự trân trọng của tác giả với “chữ tình gởi lại” của văn nghệ sĩ bạn bè. Nhiều bài viết dù chỉ như vài nét phác họa nhưng lại có những chi tiết đắt giá, sống động, mà chính tác giả được chứng kiến, sẻ chia cùng nhân vật. Những trang sách của ông không chỉ là câu chuyện cuộc đời văn nghệ sĩ. Đọc cuộc đời, số phận mỗi nhà văn, nghệ sĩ trong những bối cảnh lịch sử cụ thể, độc giả còn hiểu thêm được lịch sử, thời cuộc... 
 
Có rất nhiều trang sách ghi lại những ký ức đẫm chữ tình: Là câu chuyện giữa núi rừng Hòa Bình tĩnh mịch, sau khi vượt suối trong đêm, Trình Quang Phú nghe nhà văn Sơn Tùng sẻ chia: “Gia đình Bác, bố Bác, mẹ Bác, anh chị Bác đều là những nhân vật rất đáng kính và nên viết”, “Không viết là có tội với lịch sử đấy” - Nhà văn của tác phẩm Búp sen xanh chính là người truyền cảm hứng cho nhà văn Trình Quang Phú theo đuổi đề tài viết về Bác Hồ. Đó là tình bạn tri âm tri kỷ của hai nhà thơ lớn Huy Cận - Xuân Diệu, dù ở chung “nhà tôi 24 Cột Cờ”, người tầng trên, người tầng dưới nhưng “Huy Cận có nếp quen, trước khi ra xe đi làm ghé qua thăm Xuân Diệu dù chỉ chốc lát”; là sự chuyên nghiệp, yêu nghề của nhà thơ Xuân Diệu khi ông chia sẻ với tác giả: “Mùa đông, ngủ trưa mình nằm không dám đắp chăn; ấm quá sẽ ngủ quên”, “nếu mỗi ngày ngủ thêm một tiếng, cuộc đời viết sẽ mất vài năm”; là sự trân trọng từng con chữ khi “Tôi tin và trao thơ của tôi cũng như trao con của tôi cho chú”. Đó là câu chuyện bên ly rượu ngon với nắm lạc luộc từ vùng dân tộc cùng nhà thơ Quang Dũng, và rút lại vẫn là những đau đáu về văn chương khi tác giả của Tây Tiến nói: “Thôi, mọi chuyện để đời sau phán xử. Thơ văn khi viết ra là của ta, nhưng sống hay chết, hay hoặc dở của tác phẩm là thuộc về người đọc, thuộc về Nhân dân”. 
 
Một nét mới của tác phẩm gần 300 trang này là phần tư liệu dày dặn với hơn 100 bức chân dung, với chân dung của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại mà tác giả Trình Quang Phú đã tự tay chụp. Ngoài ra còn có nhiều hình ảnh chụp chung của ông cùng các văn nghệ sĩ ghi lại kỷ niệm những lần gặp gỡ. Trong đó nhiều bức chưa từng xuất hiện. Nhiều bức hình bắt được hồn sắc, thần thái của nghệ sĩ. Những hình ảnh này góp phần làm nên sự sống động cho những trang sách, giúp độc giả cảm nhận dường như những nghệ sĩ đã đi xa ấy đang nhìn mình, mỉm cười, sẻ chia những vui buồn chuyện đời, chuyện nghề.
 
Có cơ hội sống trong nhiều giai đoạn lịch sử, gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu của văn chương Việt Nam, tác phẩm của nhà văn Trình Quang Phú tạo ra sức hút bằng chính những câu chuyện ký ức đầy sống động. Độc giả tác phẩm Nhà văn và chữ tình gởi lại yêu mến cuốn sách này không phải vì bút pháp nghệ thuật như cách người ta vẫn mong đợi ở những cuốn sách khắc họa chân dung văn học, mà yêu mến chính bởi “Chữ tình gởi lại” trong đó mà nhà văn Trình Quang Phú đã có cơ hội đón nhận từ quá khứ, gìn giữ đến bây giờ và sẻ chia cho chúng ta.
 
VÕ THU HƯƠNG