Giữ điệu Aria truyền thống

06:09, 22/09/2022
Hình ảnh những cô gái trẻ dặt dìu trong điệu Aria truyền thống, ánh mắt đôi lúc ngượng ngùng vì sai nhịp, đôi bàn tay vẫn chưa có được sự mềm mại, uyển chuyển… Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng tất cả nằm trong nỗ lực gầy dựng lại điệu múa truyền thống của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố M’Lọn (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương).
 
Thành viên CLB Nhịp điệu Aria cùng nhau tập luyện
Thành viên CLB Nhịp điệu Aria cùng nhau tập luyện
 
Aria vốn được biết đến là điệu múa gắn liền với cộng đồng người dân tộc Chu Ru. Ông K’Sung, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đơn Dương cho hay, vì dân tộc K’Ho và Chu Ru ở Đơn Dương vốn có sự liên hệ mật thiết từ lâu đời, có sự giao thoa về văn hóa cho nên từ lâu, Aria cũng trở thành một phần trong văn hóa truyền thống của người K’Ho, xuất hiện trong các dịp lễ hội quan trọng như lễ mừng lúa mới, lễ xây mộ…
 
Qua thời gian, cũng giống như những giá trị văn hóa truyền thống khác dần bị mai một, điệu Aria không còn phổ biến, nhất là trong lớp trẻ. “Nhiều dịp quan trọng mà chỉ có toàn những người lớn tuổi biết múa những điệu này, chúng tôi cũng rất buồn. Việc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đứng ra thành lập được câu lạc bộ để thu hút các bạn trẻ tham gia sinh hoạt, học hỏi, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống là điều rất đáng quý”, ông K’Sung nói thêm.
 
Câu lạc bộ (CLB) Nhịp điệu Aria ở chi hội tổ dân phố M’Lọn ra đời cũng vì thế. Chị Rô Đa Nai Diệu Nga - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, đồng thời là Chủ nhiệm CLB cho biết, sau nhiều nỗ lực vận động chị em, CLB đã chính thức thành lập từ tháng 8, với 15 thành viên. Đây cũng chính là mô hình phụ nữ đặc thù của Hội Phụ nữ thị trấn Thạnh Mỹ, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt chi hội. 
 
M'Lọn là tổ dân phố đồng bào DTTS duy nhất ở thị trấn Thạnh Mỹ, với hơn 400 hộ dân, trong đó có hơn 170 hội viên phụ nữ. Chị Diệu Nga sinh ra và lớn lên ở đây, và đặc biệt không thể thiếu đi hình ảnh những người bà, người mẹ dịu dàng, uyển chuyển trong vũ điệu Aria. Theo chị Diệu Nga, ở đây, tất cả già, trẻ, gái, trai đều có thể múa được, nam là những động tác dứt khoát, mạnh mẽ, nữ thì dịu dàng, mềm dẻo hơn. Đặc biệt, trên nền nhạc cồng chiêng được đánh bởi những nghệ nhân lành nghề, điệu múa mang âm hưởng vui tươi, hùng hồn hơn bao giờ hết. Khác với ngày xưa, những thiếu nữ K’Ho ở M’lọn bây giờ có người biết, có người chỉ bắt chước theo một vài động tác cơ bản rồi tham gia múa vào những dịp quan trọng của cộng đồng.
 
 Cô gái trẻ Nai Phước (sinh năm 1995) cũng vậy. Khi biết CLB được thành lập, em chẳng ngại ngần đăng ký. Từ những động tác bước chân trước sau, bàn tay đặt lên trái bầu khô, cách cầm gùi ra sao… em đều phải học lại từ đầu. Nhưng vốn có sự nhanh nhạy của người trẻ, em bắt nhịp rất nhanh. 
 
“Trước đây em cũng tham gia nhưng chỉ là bắt chước mọi người, cứ múa theo những gì mình thấy thôi. Tham gia vào CLB có các chị hướng dẫn bài bản nên em học nhanh hơn. Bản thân em cảm thấy rất tự hào vì mình đang đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống”, Nai Phước chia sẻ.
 
Theo chị Diệu Nga, Aria là vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển gồm những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng, phối hợp giữa co và duỗi chân tay, nhún nhảy đung đưa thân mình. Thế nên để học múa Aria không khó, quan trọng là quá trình tập luyện để đôi tay trở nên mềm dẻo, bước chân trở nên nhịp nhàng. Đồng thời mỗi động tác, mỗi bài đều mang một ý nghĩa khác nhau nên các chị cũng cố gắng tìm đến những người lớn tuổi ở địa phương để hiểu thêm và nắm bắt cái hồn trong từng bài múa. 
 
Chị Phạm Thị Thảo Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, phụ nữ DTTS ở M’Lọn ít tham gia các hoạt động tổ chức hội vì đa số chị em còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Việc Hội Phụ nữ thị trấn chọn chi hội M’Lọn để thành lập câu lạc bộ văn nghệ cũng sẽ từng bước giúp hội viên được tham gia sinh hoạt vào các hoạt động, được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như điều lệ Hội LHPN Việt Nam. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, CLB đã xây dựng quy chế hoạt động bài bản, chi tiết. 
 
“Chúng tôi mong muốn giúp khôi phục lại một phần giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tôn lên vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ dân tộc K’Ho. Đây cũng sẽ là cơ hội để các chị quảng bá văn hóa truyền thống của mình tới cộng đồng, không chỉ là điệu múa mà còn có trang phục thổ cẩm, gùi, quả bầu khô… Sâu xa hơn, chúng tôi cũng muốn khôi phục lại văn hóa cồng chiêng để điệu Aria trở nên hùng hồn, linh thiêng và kết nối cộng đồng”, chị Thảo Nguyên cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM