Mẹ già như chuối chín cây

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN 06:17, 02/03/2023
Ảnh minh họa

Mãi cho đến năm học lớp 4, tôi mới bị mẹ đánh. Lần đó, mẹ dùng roi mây quất mạnh vào mông, lí do tôi hậm hực, khóc mếu khi mẹ bẻ đôi trái bắp của tôi chia cho con bé hàng xóm. Tôi vùng vằng hét to: “Đồ ăn chực!”. Mẹ đánh một roi và bảo: “Miếng ăn không to đến mức mất một miếng là lộn gan lên đầu. Không được xúc phạm người khác! Con cho bạn nửa trái bắp, lần sau sẽ có người cho con lại nửa trái cam. Hôm nay con cho đi, ngày mai con sẽ được nhận về!”.

Mãi đến năm học lớp 6 tôi mới hay mẹ mình một chữ cắn đôi không biết. Không phải vì con gái lạt lẽo, không gần gũi với mẹ mà có lẽ vì mẹ không giống một người mù chữ. Mẹ dạy chị em tôi trong từng lời ăn tiếng nói, mẹ nói chuyện nhân nghĩa bằng những câu ca dao, tục ngữ có hàm ý sâu xa. Có lần, anh gây gỗ cãi cọ với mấy đứa trong xóm, mẹ dạy: “Trách người một, trách ta mười. Bởi ta tệ trước nên người bạc sau”. Mẹ như vậy thì làm sao dám nghĩ mẹ không biết chữ.

Mãi đến năm học lớp 10, tôi mới biết mẹ mình mồ côi lúc còn là giọt máu nằm trong bụng. Không phải vì con gái lạt lẽo, không gần gũi với mẹ mà có lẽ tại tôi vô tâm. Tôi chỉ biết ông ngoại mình bị Tây giết và lấp vào một cái hố chôn tập thể. Tôi chỉ biết mẹ có tới sáu người em cùng mẹ khác cha. Cũng tại mẹ chưa bao giờ than thở tuổi thơ lem luốc, không nghe mẹ nhắc chuyện ngoại gửi mẹ cho cố lúc vừa lọt lòng. Hay tại mẹ vẫn ân cần chăm lo, giặt giũ cứt đái khi bà ngoại bệnh nằm một chỗ. “Mẹ nuôi ngoại để mai mốt mấy con nuôi mẹ!”. 

Mãi đến khi là sinh viên năm nhất, tôi mới biết mẹ từng ăn cơm với trái chuối chát non. Anh tôi kể rằng, ngày xưa cứ tới bữa cơm, mấy chị em chúng tôi thì có một đĩa cá, ít canh còn mẹ ăn cơm với chuối chát non. Tay cầm trái chuối chắm xuống chén mắm đục, cắn một miếng chuối, ăn một miếng cơm. Anh thấy mẹ ăn ngon lành nên hỏi mẹ có ngon không, sao không ăn cá? Mẹ nói ngon hơn cá thịt. Anh liền chạy lại, giật trái chuối trên tay mẹ, chấm xuống chén mắm cắn một miếng, nghẹn bứ vì nó đắng chát, nhả ra không kịp. 

Mãi đến khi trở thành cô giáo được mười năm, lấy chồng xa cũng gần bằng khoảng thời gian ấy, tôi mới nghẹn đắng biết rằng mẹ mình mùa nào cũng tất tả xách bao ra đồng mót lúa. Vợ chồng công chức lương ba đồng ba cọc, chưa thể dành dụm để có một cơ ngơi riêng. Hằng tháng vẫn về lấy gạo vì mẹ bảo: Nhà mẹ làm nông, lúa gạo nhiều, các con đừng ra ngoài mua gạo ăn, tốn kém. Một ngày mùa, tôi đưa con trai về nghịch rơm, thấy nhà cửa vắng tanh, đứng rụng rời khi chị hàng xóm bảo mười năm nay, mùa nào mẹ cũng đi mót lúa.

Mãi cho đến hôm qua, tôi mới giật mình nhận ra, mẹ già thêm từng ngày. Những nốt đồi mồi lấm tấm trên đôi má sạm đen, đó là vết tích của những ngày mẹ lậm lụi nắng mưa trên đồng ruộng vì chén cơm con trẻ. Đôi mắt trũng sâu và nhờ nhờ đục, thời gian đã làm mắt mẹ yếu đi nhưng vẫn không thể cướp được ánh nhìn hiền lành, vị tha của mẹ. Đường rẽ ngôi trên tóc mẹ sợi đen còn đếm được trên đầu ngón tay. 

Mãi cho đến lúc ngồi viết những dòng này, tôi mới nhận ra, nửa đời người, chưa một lần ôm mẹ và nói: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều!”...