Thơ chọn - Lời bình:
Tuổi thơ

NGUYỄN NGỌC PHÚ 02:35, 01/06/2023

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua


Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích chòe đánh thức buổi ban mai


Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi
năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cái năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này


Người ở rừng mang vết suối vết cây
người mạn bể có chút sóng chút gió
người thành thị mang nét đường nét phố
như tôi mang dấu ruộng dấu vườn


Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương
thời thơ ấu không thể nào đánh đổi
trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
có một miền quê trong đi đứng nói cười


Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi
 dù chúng ta cứ việc già nua tất
xin thương mến đến tận cùng chân thật
những miền quê gương mặt bạn bè.

NGUYỄN DUY


Lời bình:

Trong cuộc đời của mỗi con người có một quãng đời không thể dễ gì quên được với những kí ức hồn nhiên mà sống động, tươi thắm mà lung linh bao lấp lánh của mình. Tuổi thơ như một cái vó cất đầy kỷ niệm mà khi tung lên như một vòm diều bay bổng, mà neo giữ thật đậm đà bền chặt như một bệ phóng của đời người. Nhà thơ Nguyễn Duy đã có một tuổi thơ nhiều ám ảnh của dải đất Bắc miền Trung và ông đã viết bài thơ “Tuổi thơ” với nhiều đồng cảm sẻ chia và cả dự cảm phấp phỏng. Một giọng điệu thơ tâm tình chân thành với bao phát hiện tinh tế, nhà thơ đã đóng dấu “Tuổi thơ” lên phiên bản cuộc đời mình một dấu ấn sâu sắc có sức lay thức, lay gọi, lay gợi mà vẫn tung tẩy hào hoa biến ảo.

Đó là bắt đầu bằng tự sự tâm tình: “Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng” mở ra để neo lại những cỏ, những lúa, những hoa, quả dại. Và những hình ảnh quen thuộc chân chất mà ám ảnh cả một đời: “vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải/ bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua”. Ở đây ống kính tâm hồn của nhà thơ bắt cận cảnh rất nhạy những chi tiết từ mặt đất để từ đó chiếu dõi trên một tầng cao, từ tĩnh sang động với bao âm thanh sắc màu thật sinh động, thật ríu rít, thật bay bổng. Một bức tranh chim sổ lồng thật đáng yêu, đáng tin cậy biết bao: “Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò/ con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít”.

Có thể nói các cung bậc yêu thương của thi sĩ có những bước nhảy quãng qua âm vực tâm tình với bao lắng đọng, từ tả, đến cảm, sang nghĩ. Đó là tuổi thơ nhiều vất vả để định hình tạo nên một dáng dấp, một tư thế đỉnh đạc làm người: “Cái năm tháng mong manh mà vững chãi/ con dấu đất đai tươi rói mãi đây này”. Tôi rất thích hình ảnh “con dấu đất đai” như một “căn cước văn hóa”, “căn cước phong thổ” để ta ghi nhận chiêm nghiệm và cao hơn hết để định vị một phong thái, một tính cách, một định hướng, một ân tình sâu sắc: “Người ở rừng mang vết suối vết cây/ người mạn bể có chút sóng chút gió/ người thành thị mang nét đường nét phố/ như tôi mang dấu ruộng dấu vườn”. Ôi cái con dấu không chỉ chứng nhận mà nó còn khắc sâu ấn định như một niềm tự hào, tự tin cao cả lặn chìm trong gen hình hài, trong máu thịt: “Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương/ thời thơ ấu không thể nào đánh đổi”. Bắt đầu từ bệ phóng tuổi thơ để tạo đà bước nhảy để quyết định cho một tương lai từ nguồn cội trong trẻo mà da diết: “Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/ có một miền quê trong đi đứng nói cười”. Nhà thơ không chỉ viết về tuổi thơ của mình mà còn vẽ nên gương mặt, thần thái hồn cốt của một làng quê thuần nông, thuần Việt. Đó là những hình ảnh chọn lọc mà vẫn rất tự nhiên dung dị dẫn dắt ta trở về với mọi nẻo quê, lối ngõ. Đó là những vòng sóng giao thoa, cộng hưởng để hướng tâm đến một tâm nguyện sắt son thủy chung mà bền chặt: “Xin thương mến đến tận cùng chân thật/ những miền quê gương mặt bạn bè”. Bài thơ giữ được hơi ấm nồng nàn với cái giọng dân dã tuần tự mà cũng bất ngờ biến ảo lấp lánh với một câu nói rất bình thản, rất Nguyễn Duy mà chạm được đến sâu lắng cõi người khi nhận ra một sự thật: “dù chúng ta cứ việc già nua tất” như một chủ động sống, an nhiên sống và sống có trách nhiệm với cuộc đời, với xã hội.