Tháng Ba nghĩ về mẹ

THÀNH NAM 04:53, 09/03/2023

Đà Lạt đêm tháng Ba, trăng vành vạnh sáng soi miền sơn cước. 4 giờ sáng, khi thành phố đang còn ngái ngủ, mọi vật dường như chưa thức giấc thì tiếng chuông chùa văng vẳng nơi cửa thiền khiến ta thảng thốt. Lạ thay, không phải mùa Vu lan báo hiếu nhưng nơi thiền am vẫn đều đặn tiếng kinh trầm ấm nhắc nhở mỗi chúng ta về hiếu đạo làm người. Thì ra, đối với những ai được sinh ra trên cuộc đời này, dù không có những thanh âm kia đi nữa thì lòng tri ân với mẹ - người phụ nữ sinh ra mình cũng không thể nguôi ngoai và bị bào mòn đi vì lớp bụi thời gian.

Năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng Tám tháng Ba với sự hiện diện của ánh trăng tròn trịa trên đất cao nguyên. Vậy nhưng, với tôi, dù đã hơn 15 năm làm công dân của phố núi và đã nhiều lần thấy hoa đào nở cùng với ánh trăng của "miền đất hứa" nhưng sao vẫn chưa thấy đẹp bằng ánh trăng quê mình. Trăng ở quê, trăng ở thành phố cũng là trăng nhưng sao trăng ở quê đẹp đến lạ thường, nó không bàng bạc vì không bị cộng hưởng bởi ánh đèn đường như chốn thị thành. Cũng chính từ dưới ánh trăng quê mà tôi được mẹ kể cho nghe những câu chuyện đẹp như trong cổ tích. Đó là chuyện đời, chuyện người, chuyện về sự khốn cùng của vật chất nhưng vẫn nhắc nhau câu ân tình và tất nhiên là không thể thiếu... chuyện của mẹ.

Mẹ tôi - người đã gánh nỗi nhọc nhằn đi qua 81 mùa trăng nơi miền đất khó miền Trung. Mẹ tôi chẳng biết chữ đâu nhưng ký ức tuổi thơ và những tháng ngày nuôi chị em tôi khôn lớn thì bà chẳng bỏ sót một điều gì. Mẹ nói rằng, hình hài mẹ được ông bà nuôi dưỡng, lớn lên từ cánh đồng đầy nắng và những chiều trên cánh võng đong đưa chứ chẳng phải là thị thành xa hoa. Cứ như thế, mẹ lớn khôn rồi trưởng thành. Thấm thoắt trôi qua, rồi mẹ cũng trở thành thiếu nữ. Như một mối lương duyên mẹ đã gặp người con trai với dáng thư sinh là ba tôi sau này. Chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi trên bến đò quê mà trái tim của chàng trai và cô gái quanh năm gắn bó với ruộng vườn đã "đập loạn nhịp", họ đã lạc vào mắt nhau và... quên cả lối về. Rồi không lâu sau lần gặp gỡ định mệnh ấy, đôi bạn trẻ đã bước lên thềm hoa hạnh phúc với một đám cưới nghèo nhưng đủ đầy sự hiện diện bà con chòm xóm với cau thắm, rượu nồng. Họ đã trở thành chồng vợ. Trong câu chuyện của mình, mỗi khi nhắc đến, mẹ tôi chỉ biết tủm tỉm cười như còn vấn vương một điều gì thời con gái... 

Rồi cuộc đời của mẹ cũng lặng lẽ trôi qua, cho dù khó khăn đến đâu mẹ tôi cũng là hậu phương vững chắc cho ba tôi và cho các con của mình. Chị em tôi lần lượt ra đời trong niềm vui trọn vẹn của ba và mẹ nhưng cũng từ đây hình dáng của mẹ tôi không còn căng đầy sức sống mà thay vào đó là niềm khắc khổ luôn in hằn trên khuôn mặt của bà mẹ quê.

Không có việc gì xa lạ đối với mẹ tôi cả, mò cua, bắt óc, gieo cấy, bao công việc đồng áng... mẹ tôi đều làm được hết. Cũng chính những đêm trăng quê sáng vằng vặc, mẹ tôi đi gặt lúa trong đêm, bởi mẹ không thể chịu đựng được cái nắng khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Dưới ánh trăng quê, hình ảnh mẹ tôi - người đàn bà không mang dép với dáng đi xiêu vẹo bởi gánh lúa cong oằn sức nặng như phận đời lam lũ của bà. Trong câu chuyện của mình, mẹ giải thích rằng: không đi dép vì một phần mẹ không quen, phần nữa vì muốn gánh lúa nhanh về nhà để còn kịp cho phiên chợ quê, để kịp mua cho chị em tôi đôi dép nhân ngày tựu trường. Thì ra mẹ của tôi là vậy, hết việc đồng áng rồi đến việc nhà, việc chợ… việc nào cũng phải khẩn trương, liên tục không kịp mang dép để chị em tôi không bị chậm trễ đi quá trình khôn lớn, trưởng thành. Đến nay, đã hơn 80 mùa trăng đi qua mà mẹ tôi vẫn thế. Vẫn là tấm thân gầy cõng đầy sương gió, mẹ cõng cả sự gian khổ đi bên cuộc đời và không quên cõng luôn cả sự tất bật, vội vã để rồi khi nhìn xuống, chân mẹ đã chai lì, nứt nẻ.

Tháng Ba, Đà Lạt rục rịch tiễn mùa xuân đi. Tháng Ba, có Ngày Quốc tế Phụ nữ khiến những đứa con xa quê cứ trông về cố hương với hình ảnh của người mẹ quê tần tảo. Tháng Ba về, con nợ mẹ những ân tình còn dang dở. Tháng Ba, tâm hồn của con vẫn cứ nồng nàn khúc hát: 

“Một bông hồng cho em. Một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai. Cho những ai đang còn mẹ. Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…”.