Mùa xuân - tình đất, tình người

Truyện ngắn: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM 06:07, 30/01/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Năm 1976, Lan - người con gái xứ ngàn hoa vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Cô không thi đại học mà tình nguyện xin vào lực lượng thanh niên xung kích của thành phố Đà Lạt xuống vùng Ba xây dựng kinh tế mới - vùng Ba ngày ấy là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, thành lập năm 1962 để chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng chống Mỹ - Ngụy ở ba xã Hợp Vông, Xi Nhanh và Lú Tôn. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, rất nhiều tiềm năng đang rất cần sức người, sức của xây dựng một miền đất hứa cho tương lai của Lâm Đồng. 

Vừa trải qua chiến tranh, nên đời sống của Nhân dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nghe con nói xung phong xuống vùng Ba, mẹ Lan như đỉa phải vôi:

- Không đi đâu cả, tôi chỉ có mình cô. Không đi đại học thì ở nhà trồng rau, chạy chợ, lấy chồng... Ở thành phố không muốn lại lao vào nơi rừng thiêng nước độc. Nào muỗi mằn, sốt rét, lam lũ… Cô không nghe người ta nói: “Con gái vùng Ba không bằng bà già Bảo Lộc” đấy sao?

Còn bố Lan, nguyên là một chiến sỹ giải phóng, từng lăn lộn, chiến đấu bảo vệ hành lang chiến lược Lâm Đồng - Bình Thuận - căn cứ địa cách mạng, trong những năm kháng chiến thì nhìn con gái, vỗ về:

- Lan à, bố không nghĩ như mẹ con. Nơi ấy không chỉ có rừng thiêng nước độc. Những ai đã từng sống và chiến đấu ở đó mới thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của một vùng đất “Gian lao mà anh dũng”. Dẫu bao gian khổ, hi sinh, nhưng cái tốt đẹp còn đọng mãi vẫn là tình đất, tình người, rất cần được thế hệ các con nâng niu, khai phá. Mẹ thương con thì nói vậy. Nhưng con đã quyết thì cứ lên đường.

Được lời như cởi tấm lòng. Lan cầm lá đơn trên tay, nhảy lò cò chân sáo lên phường tìm đồng chí Đại đội trưởng thanh niên xung phong thành phố.


*

Nơi Lan ở là những dãy nhà liền nhau, tường thưng phên nứa, mái lợp Fibro xi măng. Trên khoảng sân rộng còn sót lại vài ngọn cỏ tranh cao ngang vai, phất phơ trước gió. Một đống củi to đã bén lửa. Tiếng nổ của những cây mum khô rền như pháo. Những tàn lửa bay lên, bung ra theo gió nhảy múa trông như pháo hoa. Đêm sinh hoạt đầu tiên, cả đại đội vây xung quanh đống lửa trại, miệng hát, tay vỗ hết bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đến “Con kênh ta đào”, lại sang “Bài ca thanh niên xung phong”… cuối cùng lại “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. 

Không ai muốn nghỉ sớm. Đêm xa nhà đầu tiên, ánh lửa bập bùng thay ánh điện. Tiếng côn trùng vùng đất mới như to hơn, dài hơn không dứt. Lan lững thững đi ra đầu nhà, phía dưới là một con suối khá rộng. Cô tựa lưng vào thân cây bằng lăng, nhìn về phía trời xa. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè trào dâng. Không nén được cảm xúc, cô khóc. Hình như nước mắt chảy mới làm vợi đi nỗi nhớ.

Bỗng phía nhà đối diện, tiếng sáo ai lảnh lót vút lên cái điệp khúc: “Anh vẫn hành quân, anh vẫn hành quân…” nghe thôi thúc quá. Tiếng sáo như kéo Lan về phía ấy. Trên chiếc giường một, bốn năm thanh niên ngồi vỗ nhịp tay vào đùi, vào đĩa, vào nắp xoong. Lan trông rõ khuôn mặt người thổi sáo, da trắng, đôi má ửng đỏ phập phồng theo nốt nhạc. Lan thấy tim mình như loạn nhịp…

Đó là Lâm, quê xã Tri Thủy nằm cạnh con sông Hồng thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Sơn Bình, nay là Hà Nội. Anh vừa được ra quân lại xung phong ngay vào Lâm Đồng. Lâm là cán bộ phụ trách văn hóa thể thao của nông trường.

Đêm trước ngày lên đường, mẹ Lâm ngồi cạnh mép giường khi anh đang đọc báo, bà nói như cầu khẩn:

- Con ạ, mẹ có điều này, tuổi mẹ đã cao mà tuổi anh cũng không còn ít, nhà lại có một mình là giai… anh nghe mẹ… Lâm cướp lời:

- Nghe mẹ ở nhà lấy vợ chứ gì. Con biết ngay mà. Nhưng con đã có tên trong danh sách đi xây dựng kinh tế mới rồi mẹ ạ.

- Thì con mới ở bộ đội về, hoàn thành nhiệm vụ rồi. Ở nhà có sao đâu?

- Mẹ yên tâm đi, con đi một năm rồi xin nghỉ phép về cưới vợ. Lâm ngồi dậy, tựa người vào vai mẹ, khẩn khoản: Mẹ nhé… mẹ thương con mà.

- Còn bé lắm hả? Được rồi, một năm mà không về… tôi vào tận nơi lôi cổ về cho mà xem…

*

Tiếng sáo bỗng im bặt, Lâm như có linh tính, anh phát hiện bóng người ngoài cửa đang nhìn mình. Anh bước ra. Lan vùng chạy. Anh đuổi theo. Con suối giữ chân cô lại. Hai người nhìn nhau. Lan ngập ngừng: 

- Anh… thổi sáo hay quá, cứ như văn công ấy.

Dưới ánh trăng đại ngàn mênh mang. Bên con suối trong thơ mộng, đã chứng kiến một đôi “trai tài gái sắc”. Họ nói cho nhau nghe về hoàn cảnh gia đình, về cách nghĩ, cách sống, về những khát khao cống hiến của tuổi thanh xuân. Rồi, như một sức hút kỳ diệu, hai người quyện vào nhau. Những cánh bằng lăng tím vương vương trên vai, trên tóc còn đằm hơi sương của họ. Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Sáng hôm sau, đại đội của Lan kết hợp với nông trường bộ của Lâm đi chặt mum (nứa). Theo kế hoạch, hai đơn vị sẽ bán mum cho nhà máy giấy, lấy tiền mua ti vi cho đơn vị nên ai cũng háo hức. Mọi người tay xà gạt, tay dao tiến vào rừng sâu. Càng đi xa, những bụi mum càng lớn, nhiều cây to càng khai thác được nhanh, ai cũng mong sớm đạt chỉ tiêu. Chín giờ sáng, Lan chặt được hai bó khá lớn. Cô ngồi lên bó mum hàng chục cây đã bó tròn trịa, tay cầm nón quạt. Những giọt mồ hôi long lanh như ngọc, đọng trên đôi má đỏ khô dần, khô dần. Lan xốc một bó lên vai, sau vài bước chệch choạc, cô cứ thế bước từng bước vững vàng. Phía trước là con suối, nước trong như lọc. Làn nước xối vào một tảng đá cạnh bờ, tung bờm trắng như mao ngựa. Lan đặt bó mum cạnh bờ, hai bàn tay úp lại, những vốc nước suối mát lạnh mơn man lên khuôn mặt làm cô khỏe hẳn. Như có tiếng hát vang trong lòng cô: “Róc rách, róc rách, nước luồn qua khóm trúc. Lá rơi, lá rơi theo dòng nước cuốn trôi…”. 

Lan tiếp tục đi. Đôi chân như không nghe theo cô. Chợt nghĩ, lạ thật, sao mình đi khá lâu mà chưa tới nơi tập kết. Phía trước, rừng càng thêm rậm rạp. Có một con rắn khá lớn trườn phía trước. Lan co rúm người. Tim đập, chân run. Rắn đã bò vào bụi mà Lan không nhấc nổi đôi chân. Tiếng suối chảy, tiếng rừng xào xạc nuốt đi tiếng khóc tấm tức của cô. Lạc đường rồi. Làm sao đây. Thân gái giữa rừng sâu. Nghe như có lời mẹ nói bên tai: “Thành phố không muốn lại lao vào nơi rừng thiêng nước độc…” Lan vừa khóc vừa gọi: Có ai không? Tiếng vọng từng đợt, từng đợt như làn sóng lan trong không trung rồi tắt hẳn. 

Lâm cùng đồng đội đã đưa ra bìa rừng hàng ngàn cây mum. Họ nói cho nhau nghe kinh nghiệm xử lý khi bị ve rừng đốt. Con ve nhỏ như đầu kim. Khi đốt người, nó đưa cái vòi vào sâu trong da thịt. Nếu phát hiện bị đốt, ai vội vàng dùng tay gãi bật ve ra, cái vòi sẽ nằm lại và gây sưng ngứa hàng năm trời. Nhưng nếu bình tĩnh dùng dầu nóng xoa lên chỗ bị cắn, hoặc dùng tàn đỏ que diêm dí vào người nó, ve nhả vòi ra, sẽ không để lại di chứng gì.

Chuyện càng rôm rả khi nói về con vắt. Nếu đi qua bãi mum sau cơn mưa, sẽ nghe rất rõ tiếng bầy vắt nhảy trên lá, phát ra thứ âm thanh tanh tách, tanh tách... Sơ ý một chút là chúng chui vào người bất cứ chỗ nào. Vắt cắn không gây đau. Chỉ khi chúng no sẽ tự rời ra, và kéo theo máu chảy thành dòng. Những người có mặt, không ai bảo ai, đều lật ống quần, tay áo, giày, tất để đề phòng. 

Bỗng một giọng con gái thất thanh, Lan! con Lan đâu rồi? Tất cả im lặng. Rồi tiếng người lao xao: Lạc, lạc rừng, chắc lạc rừng rồi. Chia nhau tìm nó đi…

Lại cũng như duyên nợ, người thấy Lan đầu tiên chính là Lâm. Anh ào tới reo to: Lan, anh đây. Lan đứng phắt dậy, chỉ kịp gọi tên anh rồi ngã vào vòng tay Lâm, lịm đi. Cũng lúc đó nhiều người ùa tới:

- Lan sao rồi anh Lâm?

- Ôi, người nóng như than này.

- Lấy khăn nhúng nước suối đắp lên trán, nhanh lên.

Lan tỉnh dậy trong niềm vui của đồng đội. Chắc cô xúc động mà ngất đi vì vỡ òa niềm vui xen lẫn hạnh phúc.
*
Mới đấy mà đã hơn bốn mươi năm. Một mùa xuân mới đang đến. Chợ huyện người đông như trẩy hội. Hoa tươi, trái chín khoe hương sắc xếp đầy những sạp hàng. Tình yêu của những chàng trai, cô gái ngày nào xung phong đi mở đất, vượt trên gian khó, hi sinh nay đã đơm hoa kết trái.

Vùng Ba ngày ấy, bây giờ đã thành miền quê trù phú. Điện sáng, đường trải nhựa thông thoáng. Cây lúa, con tằm trở thành thương hiệu của nơi này. Những chiếc hồ chứa nước làm dịu bao cơn khát của vùng đất Nam Tây Nguyên. Sức sống ngày một sinh sôi mãnh liệt. Từ lúc chỉ vài ba ngàn người nay đã thu hút hàng chục ngàn cư dân từ khắp nơi trong nước về sinh sống.

Lâm và Lan không ai về quê lấy chồng, lấy vợ theo mong muốn của cha mẹ. Họ cưới nhau sau hai năm đặt chân lên vùng đất này. Ngày vui của họ có cả một đội cồng chiêng và mấy ché rượu cần của đồng bào đem tặng. Nhiều cặp thanh niên xung phong Đà Lạt và nông trường thương yêu nhau nên vợ thành chồng, nay đã an cư lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất này. Ngôi nhà một trệt hai lầu của Lâm và Lan tọa lạc ngay trung tâm thị trấn, nơi mấy chục năm về trước chỉ là bãi cỏ hoang. 

Lâm và Lan đã lên ông, lên bà. Chiều muộn cuối năm. Trời se se lạnh. Ông chở bà trên chiếc xe máy đắt tiền, rong ruổi trên các con đường trung tâm. Bên quán cà phê ven phố, giọng hát từ chiếc ti vi màu cỡ lớn vang lên, gợi ký ức thẳm sâu tình đất, tình người: 

“… Những con đường trải dài bóng mát, những mảnh vườn trái ngọt cây xanh, ôi đẹp làm sao tình cây và đất, đem đến môi sinh mạch sống cho đời.

Trời se duyên nên khiến anh gặp em, cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh, rồi mai đây anh là đất em là cây, vinh phúc cho ai biết rằng từ đó mùa xuân vĩnh hằng”.