Phụ nữ Đạ M'Rông giúp nhau phát triển kinh tế

03:12, 05/12/2022
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và của Hội Phụ nữ xã Đạ M’Rông (Đam Rông) cùng với những nỗ lực vượt khó của hội viên phụ nữ, giờ đây, nhiều chị em đã nhận thức rõ vai trò, vị thế và tầm quan trọng của mình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. 
 
Trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình chị Kră Jăn Vellét nâng cao thu nhập
Trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình chị Kră Jăn Vellét nâng cao thu nhập
 
Chị Ntơr K’Glang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ M’Rông cho biết, Đạ M’Rông là một trong những xã vùng khó của huyện với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của một bộ phận hội viên và người dân còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Để giúp đỡ các gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội đã nhận ủy thác giúp hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đồng thời còn giúp đỡ về cây con giống, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả…
 
Theo chân cán bộ Hội Phụ nữ xã xuống cơ sở, có dịp được gặp gỡ, chứng kiến và được trò chuyện với một số chị em phụ nữ trên địa bàn xã, chúng tôi cảm nhận được những suy nghĩ, hành động của họ đã có nhiều chuyển biến tích cực, luôn nỗ lực vượt khó và hăng hái trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Chị Kră Jăn Vellét ở thôn Đa Tế bày tỏ, là gia đình có đông anh chị em, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy để gieo tỉa lúa, ngô…, nên không khá lên được. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, ngoài canh tác trên 1 ha cà phê, vợ chồng chị Vellét còn tận dụng đất đai gần nhà trồng 2 sào dâu để bán lá cho các hộ nuôi tằm. “Năm 2019, tôi được Hội Phụ nữ xã quan tâm tạo điều kiện vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội theo gói đầu tư phát triển sản xuất và Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường. Từ nguồn vay này, gia đình tôi đã đầu tư phân bón thâm canh cà phê, làm nhà nuôi tằm với diện tích 30 m 2, mua 2 bộ giàn dụng cụ nuôi tằm và thuê 2,5 sào đất để mở rộng diện tích trồng dâu”, chị Kră Jăn Vellét cho biết.
 
Chị Kră Jăn Vellét chia sẻ thêm, tùy theo số lượng lá dâu mà gia đình nuôi từ 0,5 gam đến 1 hộp tằm con /lứa. Với giá thị trường kén tằm ổn định như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ 5 - 10 triệu đồng/lứa. Còn trên 1 ha cà phê bước sang năm thứ 4, trong niên vụ này, gia đình chị Vellét dự tính sẽ cho thu ước đạt khoảng 2 tấn cà phê nhân.
 
Còn với gia đình chị Kră Jăn K’Yớ, nguồn thu chính phụ thuộc vào 5 sào cà phê và đi làm thuê, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ngoài công việc gia đình, thời gian rảnh rỗi, vợ chồng chị K’Yớ chịu khó đi đổi công và đi làm thuê để trang trải sinh hoạt gia đình, cũng từ đó tích lũy dần, cùng với số tiền vay mượn, nên đến nay đã xây cất được căn nhà 70 m 2, trị giá 300 triệu đồng. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Kră Jăn K’Yớ chia sẻ: “Nhận thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ dân tại địa phương, nhiều chị em trên địa bàn xã cũng đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để làm theo. Để thực hiện được mục đích đó, năm 2021, gia đình tôi đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện được 50 triệu đồng để thâm canh cà phê và trồng dâu, nuôi tằm. Phụ thuộc vào nguồn lá dâu (2 sào dâu), gia đình tôi nuôi từ 0,2 - 0,5 gam tằm con/lứa. Trong thời điểm thị trường kén tằm ổn định ở mức giá 200 ngàn đồng/kg kén, với 0,5 gam tằm con, gia đình tôi thu 8 triệu đồng/lứa, giúp tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình”.
 
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ M’Rông - Ntơr K’Glang khẳng định: “Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế của gia đình hội viên, phụ nữ xã là ngoài ý thức tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ các địa phương khác thì còn có sự phối hợp đồng tâm, hiệp lực của vợ chồng. Vì vậy, chị em hội viên không chỉ làm tốt phát triển kinh tế gia đình, mà còn làm trọn bổn phận, trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình. Đặc biệt là quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, tạo điều kiện cho con cái được đến trường. Hiện nay, cuộc sống kinh tế của chị em hội viên và người dân được nâng lên đáng kể, họ tích cực tham gia thực hiện nhiều phong trào hoạt động xã hội hơn, góp sức cùng chính quyền xã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương”.
 
LAM PHƯƠNG