Đạ Tẻh: Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc

03:12, 27/12/2022
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Với vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thời gian qua, hoạt động này luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đạ Tẻh tập trung thực hiện và đã mang lại kết quả tích cực.
 
Các đại biểu tham gia phản biện và góp ý cho Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội huyện Đạ Tẻh năm 2023
Các đại biểu tham gia phản biện và góp ý cho Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội huyện Đạ Tẻh năm 2023
 
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đạ Tẻh cho biết, trong năm 2022, MTTQ huyện đã thực hiện 2 cuộc giám sát chính, với trọng tâm là giám sát thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại các xã, thị trấn; giám sát thực hiện kinh phí cho hoạt động thôn, tổ dân phố và các đoàn thể ở khu dân cư theo Nghị quyết 188/2020/NQ-HĐND ngày 5/7/2020 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, còn thực hiện giám sát việc cấp phát chế độ cho hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn huyện; giám sát việc thực hiện trả lời ý kiến cử tri tại các kỳ họp HĐND huyện... 
 
Bên cạnh đó, MTTQ huyện Đạ Tẻh còn phối hợp với HĐND huyện thực hiện 3 cuộc giám sát; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện thực hiện 4 cuộc giám sát; phối hợp với MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn thực hiện 11 cuộc giám sát ở cơ sở. 
 
Riêng đối với hoạt động phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể được triển khai thông qua việc tham gia, góp ý các báo cáo, đề án như tham gia phản biện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đạ Tẻh đến năm 2030; Dự thảo Quyết định điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Dự thảo Nghị quyết của Huyện ủy năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023...
 
Ngoài ra, trong hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 1 hội nghị góp ý xây dựng Đảng, chính quyền với 77 đối tượng tiêu biểu trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tham dự và có 13 ý kiến góp ý xây dựng; cấp xã tổ chức 9 hội nghị với 466 người tham gia. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên huyện cũng tổ chức 1 hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với 45 đoàn viên tham dự và có 29 ý kiến trao đổi tại hội nghị. 
 
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, bên cạnh việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, hệ thống MTTQ trong huyện còn phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các hoạt động của Nhân dân như đóng góp xây dựng hội trường thôn, tổ dân phố, làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chuyển đổi cây trồng; việc bình xét hộ nghèo, gia đình văn hoá... đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người dân được thông báo, niêm yết để “dân biết, dân bàn, dân giám sát”, vì vậy tạo sự đồng thuận cao giữa chính quyền và Nhân dân khi thực hiện các nhiệm vụ.
 
Cùng với đó, công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của Nhân dân được MTTQ huyện, xã thực hiện thường xuyên và kịp thời. Trong năm 2022, toàn huyện tiếp nhận 156 đơn thư gồm 2 khiếu nại, 2 tố cáo và 152 kiến nghị. Đến nay, đã giải quyết 143/152 đơn. Riêng Mặt trận cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận 5 đơn thư kiến nghị của công dân, đã phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng giải quyết không để tồn đọng.
 
Đặc biệt, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử đúng với các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Nội dung và phương pháp tổ chức tiếp xúc cử tri từng bước được đổi mới. Nhiều vấn đề bức xúc của Nhân dân đã được các cấp chính quyền xem xét giải quyết, giải đáp góp phần thoả mãn được tâm tư nguyện vọng, tạo sự đồng thuận và bầu không khí cởi mở dân chủ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân đối với chính quyền các cấp.
 
Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện Đạ Tẻh còn một số hạn chế, như một số đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã chưa chủ động, chưa phát huy đầy đủ vai trò của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia giám sát, chủ yếu thực hiện phối hợp giám sát, nhiều nơi còn né tránh, ngại va chạm... 
 
Từ những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động, thời gian tới, MTTQ huyện Đạ Tẻh sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội; trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, mạnh dạn đi sâu vào giám sát, phản biện ở một số lĩnh vực, một số nội dung quan trọng, phức tạp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng chính quyền, làm cho chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, gần dân và sát dân hơn.
 
HOÀNG SA