Người dân vùng sâu vất vả hơn khi đi mua xăng

01:11, 04/11/2022
Đã bắt đầu vào niên vụ thu hái cà phê và lúa nhưng nông dân tại địa bàn vùng sâu huyện Đam Rông không khỏi lo ngại tình trạng thiếu hụt xăng dầu khi nhiều cây xăng trên địa bàn treo bảng hết xăng, còn dầu hoặc ngừng hoạt động.
 
Ghi nhận tại 3 xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông) hiện chỉ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đạ Long đang hoạt động bình thường
Ghi nhận tại 3 xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông) hiện chỉ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đạ Long đang hoạt động bình thường
 
Để có xăng cho sản xuất cũng như đi lại, nhiều người dân tại địa bàn huyện Đam Rông phải chạy xa thêm 1 - 4 km hoặc chấp nhận mua xăng tại các tiệm tạp hoá với mức giá từ 25.000 tới 27.000 đồng/lít, bởi tại nhiều cây xăng ngừng hoạt động do thiếu hụt nguồn cung ứng. 
 
•  HƠN 40% CÂY XĂNG TREO BẢNG HẾT XĂNG, ĐÓNG CỬA NGHỈ BÁN
 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lâm Đồng Online từ ngày 26/10 tới 3/1, dọc Quốc lộ 27 qua các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng, đường ĐT.724 đi xã Rô Men, đường ĐT.722 đi xã Đạ M’Rông, Đạ Tông và Đạ Long... có 4/14 cây xăng của các doanh nghiệp dán thông báo hết xăng, hoặc hết xăng còn dầu, 2 cây xăng nghỉ bán, chiếm 42% tổng số cây xăng kinh doanh trên địa bàn huyện.
 
Tại khu vực trung tâm xã Đạ K’Nàng có 4 đại lý bán lẻ xăng dầu thì có 2 cây treo bảng hết xăng; trong đó, đại lý bán lẻ xăng dầu Thuỳ Chi 1 hết cả xăng và dầu, đại lý Phúc Sơn 5 hết xăng, còn dầu.
 
Còn tại 3 xã Đầm Ròn gồm Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông có 2 cây xăng thì hiện chỉ có 1 cây xăng tại trung tâm xã Đạ Long còn hoạt động bình thường. Tại trục đường ĐT.724 khu vực trung tâm huyện Đam Rông là xã Rô Men có 3 cây xăng thì 2 cây xăng nghỉ bán, 1 cây xăng ngừng hoạt động. 
 
Ông Liêng Hót Ha Huy (56 tuổi, ngụ Thôn Liêng K’Rắc 2, xã Đạ M’Rông) cho hay lâu nay trên địa bàn xã không có cây xăng, muốn mua xăng bà con thường chạy qua trung tâm xã Đạ Tông xa khoảng 2 km. Tuy nhiên, thời gian qua cây xăng khu vực trung tâm xã Đạ Tông đóng cửa dài ngày không bán hàng nên bà con phải chạy xa thêm 2 km nữa qua địa bàn xã Đạ Long để đổ xăng dầu.
 
“Xăng còn nhưng cây có cây không nên mình phải chạy xa hơn mới đổ được đầy bình. Để tiết kiệm thời gian, khi đi đổ xăng phải dự phòng mang theo can nhựa mua thêm, đỡ mất công chạy đi xa tốn kém hơn” - ông Ha Huy chia sẻ.
 
Cũng như ông Huy, nhiều người dân xã Đạ M’Rông cho biết tuy vẫn mua xăng, dầu bình thường để phục vụ hoạt động đi lại, sản xuất khi mùa vụ lúa, cà phê vào vụ thu hoạch cao điểm nhưng không khỏi lo ngại khi một số cây xăng thường xuyên báo hết xăng. Việc này bắt buộc người dân phải mua xăng tại các tiệm tạp hoá với giá cao hơn hoặc phải tốn thêm chi phí đi xa hơn để đổ xăng.
 
Ghi nhận trong ngày 3/11, có 6/14 cửa hàng xăng dầu tại huyện Đam Rông dán thông báo hết xăng dầu hoặc hết xăng, còn dầu
Ghi nhận trong ngày 3/11, có 6/14 cửa hàng xăng dầu tại huyện Đam Rông dán thông báo hết xăng dầu hoặc hết xăng, còn dầu
 
Trong khi một số cây xăng lớn bán hàng phập phù thì tại các tiệm tạp hoá, việc mua xăng về bán lẻ phục vụ người dân đang diễn ra phổ biến. Quanh khu vực trung tâm xã Đạ M’Rông hoặc khu vực kế cận cây xăng hết hàng, chúng tôi ghi nhận khá nhiều các tiệm tạm hoá có bán lẻ xăng qua các trụ xăng 5 lít, thậm chí dùng can nhựa... bán lại cho người dân có nhu cầu mua tại chỗ, không phải đi xa. Đồng thời, khi mua xăng tại các trụ bơm bán lẻ dọc đường, người dân buộc phải chấp nhận mua cao hơn giá gốc từ 2.500 tới 4.000 đồng mỗi lít xăng. Hiện, xăng RON95-III có giá 22.750 đồng⁄lít, xăng RON92 có giá 21.870 đồng/lít. Qua khảo sát các tiệm tạp hoá tại Đam Rông bán lẻ cho người dân với giá dao động tuỳ từng nơi từ 25.000 tới 27.000 đồng/1lít.
 
Thậm chí, tại cây xăng Chu Toàn (xã Liêng Srônh) theo ghi nhận ngày 3/11, mặc dù có dán thông báo hết xăng nhưng nhân viên cây xăng có động thái chiết xăng ra can và bán lẻ ngay tại đây với giá 25.000 đồng/lít. Tới sáng 4/11, tại một số cây xăng hết hàng như đề cập ở trên, khi được hỏi chừng nào có xăng bán trở lại, các nhân viên đều trả lời chưa biết hoặc sớm phải 1 - 2 ngày nữa. Riêng cây xăng Chu Toàn sáng nay bắt đầu bán lẻ xăng trở lại.
 
• KHÔNG CÓ TÌNH TRẠNG GĂM HÀNG, TRỤC LỢI
 
Ông Nguyễn Chí Bình - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đam Rông thông tin qua kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND huyện Đam Rông, đơn vị không phát hiện tình trạng các cơ sở bán lẻ xăng dầu găm hàng, trục lợi. Việc thiếu nguồn cung nhỏ lẻ cũng diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó chờ có hàng lại các cơ sở kinh doanh lại bán tiếp.
 
Ông Bình khẳng định thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trường hợp phát hiện các cửa hàng có dấu hiệu găm hàng không bán, bán không đúng giá niêm yết, tăng giá bất hợp lý… sẽ tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm theo quy định.
 
Trước đó, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhận định tình trạng thiếu xăng cục bộ trên địa bàn thời gian qua là do thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối cung cấp hàng nhỏ giọt. Mặt khác, thương nhân cung cấp xăng dầu đưa ra mức chiết khấu quá thấp, nhiều thời điểm bằng 0 đồng nên các đại lý kinh doanh thua lỗ, chưa chủ động nhập hàng.
 
Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 332 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, thuộc sở hữu của 220 doanh nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng (Petrolimex Lâm Đồng) là đơn vị có số lượng cửa hàng lớn nhất trải rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa với 53 cửa hàng bán lẻ và 30 cửa hàng nhượng quyền bán lẻ. Từ đầu năm tới ngày 15/10, Sở Công thương đã kiểm tra 143 vụ và phát hiện 32 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 600 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp trên 60 triệu đồng.
 
C.THÀNH