Đức Trọng: Sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt

05:10, 19/10/2022
Thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền các xã trên địa bàn huyện Đức Trọng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.
 
Người dân trên địa bàn Đức Trọng sử dụng hiệu quả nguồn nước sinh hoạt tập trung
Người dân trên địa bàn Đức Trọng sử dụng hiệu quả nguồn nước sinh hoạt tập trung
 
Huyện Đức Trọng hiện có 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn. Trong đó, có 38 công trình do cấp xã quản lý; 2 công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng (QLDA ĐTXD & CTCC) huyện quản lý. Tổng  kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hơn 14,9 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hơn 13,5 tỷ đồng, nguồn phi Chính phủ, hỗ trợ ngoài ngân sách nhà nước 1,4 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 1 nhà máy cung cấp nước sạch của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước & Xây dựng Đức Trọng, cung cấp cho 4.967 hộ tại thị trấn Liên Nghĩa và các xã Phú Hội, Liên Hiệp; 1 nhà máy của Công ty TNHH Thủy Thiên Phú An cung cấp nước sạch cho 1.942 hộ tại các xã Phú Hội và Ninh Gia; UBND huyện Đức Trọng còn hỗ trợ 243 triệu đồng cho 380 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở thôn, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu đào giếng, xây bể chứa.
 
Thời gian qua, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn Liên Nghĩa căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của HĐND và  UBND tỉnh, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc bảo vệ nguồn nước, tham gia quản lý, bảo vệ các hạng mục công trình cấp nước sinh hoạt tại địa phương; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước sinh hoạt và thực hiện đóng tiền sử dụng nước theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm về quản lý nhà nước và thường xuyên kiểm tra, cập nhật, báo cáo kịp thời hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định.
 
Cụ thể, công tác tuyên truyền được các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó, lồng ghép các lớp tập huấn, tuyên truyền tại nhiều địa phương nhân các sự kiện có liên quan như: Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường; Ngày môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn... Qua đó, huy động nguồn lực của cộng đồng, nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân về sử dụng, quản lý khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và bảo vệ nguồn nước.
 
Mặt khác, hàng năm, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn quản lý; tăng cường quản lý sau đầu tư các công trình, nhất là các công trình được đầu tư nhằm phát huy hiệu quả của các công trình trên.
 
Đối với các đơn vị quản lý, vận hành là UBND các xã và Ban QLDA ĐTXD & CTCC huyện định kỳ, đột xuất đều cử cán bộ kiểm tra, đề xuất xử lý những phát sinh trong quá trình vận hành, cung cấp nước cho Nhân dân từ các công trình nước sinh hoạt tập trung.
 
Theo đánh giá, việc triển khai đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung cơ bản đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, một số hạng mục công trình như đường ống, máy bơm, đồng hồ, nguồn nước không đảm bảo, giếng khoan mất nước, các hộ dân không đóng tiền điện, một số hộ dân tự chủ động nguồn nước không sử dụng nguồn nước công trình đã đầu tư… dẫn đến các công trình bị xuống cấp, hư hỏng.
 
Trước tình hình trên, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tiếp tục rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt, xử lý cụ thể  đối với từng công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động; có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa đảm bảo không để lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, thanh lý các công trình không thể khôi phục hoặc các công trình đã hư hỏng mà người dân đã chủ động được nguồn nước. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực, khuyến khích đầu tư và quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là kinh tế tư nhân; xã hội hóa công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.
 
NHẬT MINH