Tự ý dựng chợ rồi thu tiền đặt cọc của người dân

02:06, 29/06/2020

(LĐ online) - Chưa có chủ trương, nhưng UBND xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) vẫn đồng ý cho Công CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Nam Bộ (gọi tắt là Công ty Nam Bộ) xây dựng chợ nông thôn và kêu gọi người đóng tiền đặt cọc thuê quầy sạp...

(LĐ online) - Chưa có chủ trương, nhưng UBND xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) vẫn đồng ý cho Công CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Nam Bộ (gọi tắt là Công ty Nam Bộ) xây dựng chợ nông thôn và kêu gọi người đóng tiền đặt cọc thuê quầy sạp. Mỗi người dân đóng từ 15 đến 140 triệu đồng để thuê quầy sạp nhưng chợ chưa xây dựng xong đã dỡ bỏ. Vụ việc đã kéo dài hơn 2 năm nhưng khi người dân đòi lại tiền cọc thì Công ty Nam Bộ không chịu hoàn trả.
 
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, chợ Lộc Đức vẫn là bãi đất trống
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, chợ Lộc Đức vẫn là bãi đất trống
 
Chợ chưa xây xong đã tháo dỡ
 
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại các xã Lộc Đức, Lộc An (huyện Bảo Lâm) và xã Hòa Ninh (huyện Di Linh), đầu năm 2018, họ nhận được thông tin từ UBND xã Lộc Đức về việc xây dựng chợ nông thôn tại ngã 3 Đức Giang (thôn Đức Giang 1, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm). 
 
Theo đó, chợ nông thôn xã Lộc Đức do Công ty Nam Bộ (đóng tại TP Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng, với quy mô khoảng 80 quầy sạp phục vụ người dân buôn bán, kinh doanh. Ngày 18/1/2018, Công ty Nam Bộ và UBND xã Lộc Đức tổ chức họp dân để thống nhất xây dựng chợ và kêu gọi bà con đóng tiền đặt cọc thuê quầy sạp. Nghe tin có chợ mới được xây dựng, người dân địa phương rất vui mừng nên đã rủ nhau đóng tiền đặt cọc mua quầy sạp cho Công ty Nam Bộ. Lúc thu tiền đặt cọc của bà con, tuy chưa làm hợp đồng nhưng phía Công ty Nam Bộ đã viết phiếu thu tiền có đóng dấu của Công ty giao cho bà con.
 
Theo ông Nguyễn Quang Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Lộc Đức, thời điểm Công ty Nam Bộ triển khai xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn thì ông Hưng đang là Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Đức. Thời điểm Công ty Nam Bộ đến xây dựng chợ vẫn chưa được UBND huyện Bảo Lâm chấp thuận chủ trương. Thế nhưng, UBND xã Lộc Đức vẫn đồng ý cho Công ty này xây dựng chợ trên địa bàn. Ông Hưng cũng là một trong những cán bộ xã Lộc Đức trực tiếp tổ chức họp dân thông báo về việc xây dựng chợ của Công ty Nam Bộ. Lý giải cho điều này, ông Hưng cho biết: “Khi Công ty Nam Bộ đến địa phương đặt vấn đề xây dựng chợ, chúng tôi vẫn biết phía Công ty vẫn chưa hoàn thành các hồ sơ thủ tục xin phép xây dựng. Thế nhưng, qua làm việc với địa phương, Công ty Nam Bộ hứa sẽ sớm hoàn thành thủ tục. Đây cũng là điều kiện để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên xã đã thông nhất để Công ty đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn”.
 
Từ cuối tháng 1 đến tháng 3/2018, Công ty Nam Bộ đã thu tiền đặc cọc mua quầy sạp của khoảng 20 hộ dân tại các xã Lộc Đức, Lộc An (huyện Bảo Lâm) và xã Hòa Ninh (huyện Dinh Linh), với số tiền 15 triệu đồng/quầy sạp. Thế nhưng, chợ vừa mới dựng khung sắt được hơn 10 ngày, thì Công ty Nam Bộ tiến hành dỡ bỏ và “im hơi lặng tiếng” cho đến nay. Ghi nhận tại hiện trường, ngoài bãi đất trống còn có nhiều sắt thép dựng chợ sót lại đã hoen rỉ nằm ngổn ngang.
 
Bà Lâm Thị Hạnh phản ánh sự việc cùng số phiếu thu tiền thuê quầy sạp của Công ty Nam Bộ
Bà Lâm Thị Hạnh phản ánh sự việc cùng số phiếu thu tiền thuê quầy sạp của Công ty Nam Bộ
 
Không chịu trả lại tiền
 
Bà Lê Thị Bích Đào (ngụ thôn Đức Giang 2, xã Lộc Đức), phản ánh: “Sau khi thu tiền của người dân khoảng 15 ngày, Công ty Nam Bộ đã tháo khung sắt làm chợ với lý do xây dựng sai thiết kế. Từ đó đến nay, đã hơn 2 năm, chợ vẫn là bãi đất trống. Nhiều hộ dân đóng tiền cho Công ty đã tìm cách đòi lại, nhưng họ không chịu trả”.
 
Tương tự, chị Phạm Thị Hoàng Mai (ngụ tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh) cũng  đặt cọc cho Công ty Nam Bộ để thuê 2 quầy sạp và đóng tiền cọc 30 triệu đồng. “Khi đóng tiền cọc, phía Công ty hứa sẽ bàn giao quầy sạp vào ngày 30/4/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Suốt hơn 2 năm qua, chúng tôi tìm cách đòi lại tiền từ Công ty và gửi đơn cầu cứu khắp nơi từ xã Lộc Đức đến huyện Bảo Lâm nhưng vẫn không được giải quyết. Đến nay, Công ty Nam Bộ mới hoàn trả cho tôi 15 triệu đồng, còn lại 15 triệu đồng họ không chịu trả. Tôi không hiểu giữa Công ty và xã Lộc Đức thỏa thuận thế nào, nhưng với cách xử lý thiếu trách nhiệm như vậy là không thể chấp nhận được” – chị Mai cho hay.
 
Còn bà Lâm Thị Hạnh (ngụ Thôn 11, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) đăng ký thuê 2 quầy sạp và đã đóng đủ số tiền 144 triệu đồng. “Gia đình tôi phải chạy khắp nơi vay mượn mới có đủ tiền đóng cho Công ty để thuê 2 quầy sạp. Khi đóng, phía Công ty Nam Bộ hứa nếu không giao quầy sạp đúng ngày 30/4/2018, thì sẽ trả lãi từ 1,5 – 2%/tháng. Vậy mà đến nay chợ chẳng thấy đâu, tôi đòi mãi Công ty mới chuyển khoản hoàn trả 46 triệu đồng. 100 triệu đồng còn lại dù đòi mãi nhưng Công ty vẫn không chịu trả. Công ty làm ăn theo kiểu lừa đảo, còn UBND xã Lộc Đức lại thiếu trách nhiệm khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó”.
 
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Quang Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Lộc Đức thừa nhận, để xảy ra sự việc một phần lỗi do chính quyền địa phương. “Thời gian qua, địa phương đã tìm cách liên hệ với Công ty Nam Bộ để yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc thuê quầy sạp cho bà con. Nhiều hộ dân đã lấy lại được tiền nhưng hiện còn khoảng 10 hộ chưa được trả tiền. Công ty Nam Bộ cũng đã hứa với địa phương chậm nhất vào ngày 30/6/2020 sẽ có mặt tại địa phương để hoàn trả lại tiền cho các hộ dân còn lại” – ông Nguyễn Quang Hưng cho biết thêm.
 
HẢI ĐƯỜNG