Phối hợp thẩm duyệt PCCC và cấp phép xây dựng còn hạn chế

NGUYỄN NGHĨA 01:10, 24/05/2023

Trong thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu đối với dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Sở Xây dựng căn cứ Phụ lục VI kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 và Phụ lục V kèm theo Nghị định 136/2020-NĐ-CP ngày 24/11/2020 để thực hiện công tác cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động cho các dự án, công trình thuộc diện yêu cầu có thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Sở còn phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo Quy chế phối hợp được UBND tỉnh ban hành.

Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao vẫn gặp khó khăn. Ảnh: Một góc trung tâm đô thị Đà Lạt.
Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao vẫn gặp khó khăn. Ảnh: Một góc trung tâm đô thị Đà Lạt.

Theo đó, trong quá trình thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Sở Xây dựng đồng thời kiểm tra việc thi công, lắp đặt và quá trình vận hành các thiết bị PCCC trên cơ sở Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cấp. Qua đó, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC và CNCH nếu có. Ngoài ra, nhằm tăng cường kiểm soát công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt về PCCC, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt và Bảo Lộc trong công tác thẩm định, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, công tác này thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Việc áp dụng quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD về số lượng lối thoát nạn không ít hơn hai lối mà không có quy định chuyển tiếp gây khó khăn lớn cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; dẫn đến hậu quả các cơ sở kinh doanh phải khắc phục một cách cứng nhắc, không đảm bảo các yêu cầu về xây dựng, mỹ quan và an toàn hoặc không khắc phục được. Công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch hệ thống hạ tầng PCCC là công cụ hàng đầu để triển khai và quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch vẫn còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển thực tế. Nguyên nhân do nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch còn hạn hẹp, các thủ tục hành chính liên quan nhiều dẫn đến kéo dài thời gian; năng lực của các đơn vị lập, thẩm định chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có cải thiện nhưng ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như TP Đà Lạt, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng vẫn gặp khó khăn.

Đà Lạt: Đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy
Dựa trên tình hình thực tế và nguồn ngân sách địa phương, những năm qua, UBND TP Đà Lạt đã chủ động trong việc lập danh sách, dự trù và cấp ngân sách cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác PCCC, trang bị phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từ năm 2020 đến năm 2023, UBND thành phố đều bố trí ngân sách để phục vụ thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn với tổng ngân sách là 736 triệu đồng.

Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông, khoảng cách an toàn PCCC và nguồn nước PCCC. Nhiều công trình hoạt động trong nhiều năm, như chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ, nhà dân… sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC của một bộ phận người lao động, người dân còn chưa cao. UBND cấp huyện, cấp xã cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý nhà nước về PCCC. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các ban, ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa được tốt.

Để khắc phục tình trạng này, tại Hội nghị về công tác PCCC và CNCH của tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị tỉnh quan tâm tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại đúng theo quy hoạch, chú trọng hơn về chất lượng thay vì số lượng như hiện nay. Đặc biệt, tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực. Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, các công trình công cộng, cần quy định hạn chế sử dụng vật liệu dễ gây cháy. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tác PCCC và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị, bổ sung các quy định chuyển tiếp đối với các công trình xây dựng đã hoàn thành trước khi quy định về số lượng lối thoát nạn không ít hơn hai lối được ban hành và tổ chức thu phí PCCC, có thể sử dụng nguồn thu này phục vụ cho các hoạt động đảm bảo an toàn PCCC.