Phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong lĩnh vực tư pháp

NGUYỆT THU 02:13, 30/05/2023

Đại biểu HĐND được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu đại diện cho Nhân dân, nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của cử tri. Theo đó, để phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong lĩnh vực tư pháp, nhất thiết đòi hỏi mỗi đại biểu phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức tư pháp, bản lĩnh để giám sát các vụ việc oan sai, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, những vụ việc kéo dài nhiều năm, được dư luận xã hội quan tâm. 

Tiếp xúc, lắng nghe kiến nghị, bức xúc của cử tri là một kênh thông tin để kịp thời phản ánh, phát huy vai trò đại biểu Quốc hội, HĐND
Tiếp xúc, lắng nghe kiến nghị, bức xúc của cử tri là một kênh thông tin để kịp thời phản ánh, phát huy vai trò đại biểu Quốc hội, HĐND

Theo ông Hà Công Long - nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy viên Ủy Ban Tư pháp Quốc hội khóa XII, XIII, muốn phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong lĩnh vực tư pháp, nhất thiết đòi hỏi mỗi đại biểu cần không ngừng trau dồi các kỹ năng, kiến thức, khả năng và kinh nghiệm của mình. Đại biểu cần thu thập thông tin một cách chính xác, đầy đủ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các báo cáo của các cơ quan, đơn vị, đơn thư khiếu nại, tố cáo và tổng hợp kiến nghị của cử tri... hoặc thông qua hoạt động khảo sát, giám sát của Quốc hội, HĐND. Các nội dung mà đại biểu cần lưu ý để phát huy thế mạnh, trách nhiệm của mình, cần thiết đặt các câu hỏi đối với các cơ quan tư pháp như: Có bỏ lọt tội phạm không? Việc bắt, giam, giữ, khởi tố, truy tố, không truy tố có oan sai không? Việc chấp hành thời hạn trong giải quyết tin báo tội phạm, trong điều tra, tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra ra sao? Việc trả hồ sơ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án như thế nào? Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị và việc tiếp thu, giải quyết ra sao? Việc tòa án cấp trên sửa án, hủy án thế nào, thuộc trách nhiệm của ai?…

Có thể hiểu, giám sát hoạt động tư pháp là giám sát của các chủ thể được giao thẩm quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp.

Đối với giám sát hoạt động điều tra, đại biểu cần lưu ý giám sát việc giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm có đảm bảo đúng pháp luật không, nhất là việc có bỏ lọt tội phạm, có hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại không? Giám sát việc xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu để phát hiện các vụ việc lẽ ra phải khởi tố hình sự nhưng không khởi tố? Đại biểu HĐND cần lưu ý giám sát việc xử lý vi phạm sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu phạm tội nhưng lại xử lý hành chính… Theo pháp luật hiện hành, quy định cơ quan điều tra gồm có cơ quan điều tra của công an Nhân dân; cơ quan điều tra của quân đội Nhân dân, cơ quan điều tra của viện kiểm sát Nhân dân…

Giám sát hoạt động của cơ quan viện kiểm sát Nhân dân là một hoạt động rất quan trọng nhằm đảm bảo mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Hoạt động của viện kiểm sát Nhân dân chính là thực hành quyền công tố, là cơ chế bảo đảm quyền hiến định của công dân. Hay nói khác đi là quyền buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong suốt quá trình khởi tố,điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Mục đích, yêu cầu của thực hành quyền công tố là nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật. Chính vì vậy, Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, HĐND nhất thiết phải am hiểu tường tận về pháp luật, phải tinh thông và có trách nhiệm với cử tri để thực hiện giám sát, kiểm sát hoạt động tư pháp, hướng đến bảo vệ quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ. Hướng đến bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh…

Để phát huy vai trò giám sát của HĐND, đại biểu HĐND cần lưu ý đối với lĩnh vực hoạt động của tòa án Nhân dân như lưu ý, giám sát về sự nhầm lẫn, sai sót trong việc xác định thời hạn, thời hiệu, cách tính thời hiệu, thời hạn hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự; thời hiệu khởi kiện về kế thừa và thời hiệu chia di sản thừa kế, hoặc giám sát nhằm phát hiện sai sót trong trình tự, thủ tục cho vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh; không cùng đến ký hợp đồng thế chấp tài sản; gian dối khi thế chấp tài sản… hoặc xem xét vi phạm về tài sản đã bán cho người khác nhưng chưa sang tên trước bạ, tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận để thế chấp…

Tại Lâm Đồng, Quốc hội, HĐND đã phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND trên nhiều lĩnh vực, nhiều vụ việc, nhiều vi phạm được phát hiện kịp thời và xử lý, giải quyết đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự tinh vi, phức tạp của các loại hình phạm tội, cần sự am hiểu, nhanh nhạy hơn nữa của đại biểu dân cử. Đại biểu cần không ngừng nâng cao trình độ, bám sát hơi thở cuộc sống, thu thập thông tin, tiếp xúc lắng nghe cử tri kiến nghị để có những hoạt động giám sát, chất vấn đáp ứng yêu cầu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tổ chức, cá nhân, nhằm hướng đến tạo niềm tin, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.