Bất cập trong công tác quản lý điện mặt trời áp mái

CHÍNH PHONG 02:11, 30/05/2023

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng nhận thấy, một số chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục. Do đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đang được cơ quan chức năng địa phương tăng cường.

Một dự án điện mặt trời áp mái trên địa bàn huyện Lâm Hà
Một dự án điện mặt trời áp mái trên địa bàn huyện Lâm Hà

Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, được xác định là khu vực đầu nguồn của hệ thống sông, suối lớn (Đa Nhim, Đồng Nai, Krông Nô, Đa Dâng...), địa hình phần lớn là núi và cao nguyên với độ cao trung bình từ 800 đến 1.500 m so với mực nước biển; lượng mưa trung bình 1.750 - 3.150 mm/năm; tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m khoảng 6,5 - 8,5 m/s và chiếm trên 57% diện tích toàn tỉnh; bức xạ trung bình 5,13 kWh/m, số giờ nắng trung bình khoảng 2.400 giờ/năm, sản lượng bức xạ nhiệt trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương. Trữ lượng năng lượng tại tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là nguồn năng lượng tái tạo, gồm: thủy điện, điện gió, điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.444,46 MW.

Riêng lĩnh vực điện mặt trời áp mái mới được các chủ đầu tư, doanh nghiệp quan tâm triển khai khoảng 4 năm trở lại đây. Do là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng lớn và bền vững, các quy định về quản lý, phát triển năng lượng điện mặt trời đang được các bộ, ngành từng bước chuẩn hóa, phù hợp với xu thế phát triển và với nhu cầu thực tế của các địa phương. Cuối tháng 3/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giám sát chuyên đề và có báo cáo cụ thể về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Qua giám sát cho thấy, Lâm Đồng phát triển được 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt gần 300 MW cho sản lượng khoảng 420 triệu kWh/năm. Trong đó, phát lên lưới điện gần 373 triệu kWh.

Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định, về cơ bản các chính sách, quy định pháp luật về năng lượng đảm bảo, tuân thủ các quy định của Nhà nước. Việc triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh thực hiện được đảm bảo đầy đủ theo quy trình, lấy ý kiến các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, thẩm định hồ sơ, ban hành văn bản kịp thời, đúng thời gian, phù hợp quy định, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng tại địa phương.

Cũng qua giám sát thực tế, về mặt tồn tại, hạn chế, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về điện lực đã được ban hành khá lâu, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, thủy điện, điện gió, điện mặt trời hầu hết chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. Đặc biệt là việc phát triển hệ thống điện mặt trời tại địa phương gồm: điện mặt trời mái nhà tự dùng, dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MWh tại các nông trại, dự án điện mặt trời áp mái (tận dụng, thuê lại các mái nhà trong các khu công nghiệp) còn nhiều bất cập như quy định quản lý nhà nước liên quan đến xây dựng thiếu chặt chẽ, không rõ cơ quan quản lý. Có nhiều phát sinh vướng mắc về các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng; đấu nối vào lưới điện quốc gia. Tiến độ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, làm ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư, trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Nổi cộm nhất, liên quan tới các vi phạm trong quy trình từ các dự án điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong KCN Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) hiện có 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư và khai thác điện mặt trời nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép với diện tích tấm năng lượng trên mái đã được lắp đặt trên 22.000 m2.

Còn tại địa bàn huyện Đạ Tẻh, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư 41 công trình điện mặt trời áp mái trang trại. Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện không thể hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác với các công trình trang trại lắp đặt hệ thống điện áp mái. Tuy nhiên, UBND huyện đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện đăng ký biến động đất đai từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác tại các vị trí chưa có quy hoạch, kế hoạch mà chưa xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Tương tự, một số địa phương khác theo đánh giá về tổ chức sản xuất tại các trang trại nông nghiệp dưới dự án điện mặt trời áp mái, nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc phương án, mô hình kinh tế trang trại, tờ khai kinh tế trang trại đã đăng ký với cơ quan chức năng. Còn nhiều công trình chưa thực hiện việc sản xuất, chăn nuôi vẫn triển khai xây dựng công trình năng lượng,...

Nhằm nâng cao hiệu quả việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, phối hợp tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền nhằm đảm bảo các công trình xây dựng và hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng. UBND tỉnh cũng giao Sở Công thương phối hợp với Sở Xây dựng Lâm Đồng kiểm tra các quy định liên quan để đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp để bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong KCN Lộc Sơn.