.

Nông thôn mới - Sức sống mới Nam Tây Nguyên (bài 2):
Kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu

11:11, 12/03/2024
 
 

Qua 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lâm Đồng được đánh giá đã đạt được thành tựu to lớn. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.

Nói về tính bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng vào tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra được động lực phát triển nông thôn. Xây dựng nông thôn mới ngoài là đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm còn phải hướng đến chuyển đổi phương thức sản xuất ngày một mạnh mẽ giúp người dân có thu nhập cao hơn, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn cũng như chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn thông minh.

 
 

Đơn Dương - mảnh đất trù phú bên dòng Đa Nhim hiền hòa là huyện đầu tiên của Tây Nguyên về đích nông thôn mới năm 2015 và giờ tiếp tục lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều bước tiến nổi bật. Ấn tượng về một vùng sản xuất nông nghiệp với những con người chăm chỉ, cần mẫn ngày một đậm nét. Giữa những tất bật, bộn bề chuẩn bị từng luống rau, cành hoa cho vụ Tết Giáp Thìn thì niềm vui và sự lạc quan vẫn hiện rõ trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của những người nông dân.

 
 

“Nơi đây là thiên đường của nông nghiệp”, đó là những gì mà nông dân Nguyễn Ngọc Vân (57 tuổi, ngụ thôn Kambutte, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) rút ra được sau hơn 35 năm rong ruổi nhiều địa phương trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Cuộc đời làm nông nghiệp của ông gắn bó với đủ các loại cây trồng, từ cây công nghiệp như dâu tằm, cà phê đến các loại rau, hoa. 

Theo kinh nghiệm của người nông dân này, chẳng có gì quan trọng hơn việc giống cây khỏe, được chăm bón từ gốc với nguồn phân hữu cơ, vi sinh chất lượng. Chính vì thế, ông luôn chú trọng các khâu ban đầu, luân phiên cân đối cây trồng, không sản xuất đại trà mà nhắm vào nhu cầu của thị trường theo từng giai đoạn. Từ đó, ông mạnh dạn đầu tư nhà kính, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào nông nghiệp, trồng luân phiên các loại rau cung cấp cho hệ thống siêu thị và hoa cúc cắt cành để liên kết với công ty xuất khẩu qua thị trường Hàn Quốc.

Để tránh rủi ro và những bấp bênh của thị trường, ông cũng chọn sản xuất theo các tiêu chuẩn của công ty và tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu từ phía đơn vị liên kết. Để rồi hôm nay, sau hơn 20 năm chăm chỉ từ số vốn liếng ít ỏi ban đầu, ông đã sở hữu khối tài sản trị giá hơn 200 tỷ đồng. “Tất cả là nhờ mảnh đất và chính sức mình tạo dựng” - ông Vân tự hào chia sẻ.

 
 

Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vẫn khẳng định được vai trò dẫn đầu. Chính vì thế, từ khi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả vùng Tây Nguyên, Đơn Dương được chọn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh của toàn huyện duy trì 11.174 ha, chiếm 95% diện tích đất canh tác rau, hoa toàn huyện. Trong đó, giảm diện tích tưới tự động nhỏ giọt ngoài nhà kính, nhà lưới và tăng diện tích nhà kính, nhà lưới đồng bộ hệ thống tưới tự động và diện tích điều khiển tự động nhiệt độ, ánh sáng độ ẩm. Một số diện tích nhà kính ứng dụng giải pháp IOT quản lý vi khí hậu. 

 
 
 
 

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tăng thêm thu nhập cho người dân luôn được Lâm Đồng xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới và là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do đó, từ nguồn vốn của Đề án phát triển liên kết chuỗi và nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chủ trì liên kết đã được hỗ trợ đầu tư nâng cấp trang thiết bị chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và làm tăng giá trị. 

 
 
 
 

“Tôi cho rằng một trong những nét nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng là triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… tạo nên một phong trào sản xuất sâu rộng. Nhiều mô hình về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ được hình thành và hiện nay đang phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn, góp phần cho quá trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận định.

 
 

Nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết bền vững, bên cạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng sản xuất thì công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị thường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm cũng đã được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Hàng năm, đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm cũng như hình ảnh, con người Lâm Đồng.

 
 

Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nhãn hiệu được tích cực đẩy mạnh tại các địa phương, làm tăng giá trị của nông sản, thúc đẩy tổ chức sản xuất, phát triển thị trường. Đến hết năm 2023, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã công nhận có 239 sản phẩm; trong đó, có 10 sản phẩm 5 sao, 78 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao với sự tham gia của 144 chủ thể. 

100% các sản phẩm OCOP, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và trên 1.300 sản phẩm nông sản của trên 500 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản xuất đã tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu tỉnh, quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: nongsanlamdong.com, Tiki, Lazada, Shoppee, Postmart.vn, Voso.vn...

 
 

Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 26%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17%; nhiều thôn, buôn, xã có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo đánh giá, tình hình sản xuất và đời sống của người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi phương thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có nhiều hộ người dân tộc thiểu số tại các huyện trên địa bàn tỉnh biết áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa… và phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023 đạt 1,67%. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,9%. 

 
 

Nhằm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch ngày 24/2/2023 về vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu vận động các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023. Theo đó, các sở, ngành cấp tỉnh đã hỗ trợ cho 160 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng.

Báo cáo trước HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh đã hoan nghênh nỗ lực của các địa phương như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đơn Dương… trong mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,67%; trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,50%, đạt kế hoạch đề ra.

 
 

Để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, giảm tối đa tỷ lệ tái nghèo, bên cạnh việc quan tâm đến các nhóm yếu thế là người nghèo, cận nghèo, Lâm Đồng đã triển khai nhiều chính sách xã hội, nhất là chính sách tín dụng xã hội như ưu đãi vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm đối với các hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm nghiệp.

 
 

Trong công tác giảm nghèo, huyện Đam Rông là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong thời gian qua. Sau gần 20 năm thành lập, từ một trong những huyện nghèo còn lại của cả nước, Đam Rông đã kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các tiêu chí đề ra; kịp thời phân bổ các nguồn vốn, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng chuỗi liên kết… 

 
 

Trong năm qua, huyện Đam Rông đã hỗ trợ sinh kế cho 187 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 3,74 tỷ đồng. Đến nay, hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn 1.715 hộ chiếm tỷ lệ 11,72%. So với cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 7,58%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là giảm từ 4-5%.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đam Rông, những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các địa phương trong huyện triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả với hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Nguồn vốn đầu tư thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng hiệu quả, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.

 

Tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm rõ rệt

 
Theo báo cáo từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, tính tới cuối năm 2023, tỷ hộ nghèo đa chiều cả tỉnh còn 3,29% với 11.868 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo 1,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,14% (hộ nghèo 4.151 hộ và hộ cận nghèo 7.717 hộ). Tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số còn 9,13% (tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 3,38%, tỷ lệ hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 5,75%) với 7.305 hộ.
 
Trong năm 2023, thống kê tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05% (kế hoạch giảm từ 1-1,5%). Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều người đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh tới 5,09% tương đương 4.149 hộ.
 
 
 


Xem thêm bình luận