Nỗi đau ở lại

09:04, 04/04/2017

Ánh mắt của người mẹ như ngây, như dại khi phải đến nhận hài cốt của đứa con mà mình vẫn hy vọng đang sống bình an ở một nơi chốn nào đó. Ánh mắt của người vợ như đã cạn khô, không thể khóc thành lời khi đến nhận diện xác chồng sau vài ngày đi chạy xe không thấy về...

Ánh mắt của người mẹ như ngây, như dại khi phải đến nhận hài cốt của đứa con mà mình vẫn hy vọng đang sống bình an ở một nơi chốn nào đó. Ánh mắt của người vợ như đã cạn khô, không thể khóc thành lời khi đến nhận diện xác chồng sau vài ngày đi chạy xe không thấy về. Nhìn vào ánh mắt đau đớn của người mẹ mất con, người vợ mất chồng thì bất cứ ai cũng không khỏi chạnh lòng. Ánh mắt đau đáu ấy lại đối lập hoàn toàn với ánh mắt vô cảm của kẻ thủ ác tại cả hai phiên sơ thẩm luận tội. 
 
Kiều Quốc Huy tại phiên tòa ngày 29/3. Ảnh: Đ.Anh
Kiều Quốc Huy tại phiên tòa ngày 29/3. Ảnh: Đ.Anh
Người vợ đứng trước tòa yêu cầu kẻ đã giết chồng mình bồi thường tổn thất tinh thần, trợ cấp tiền nuôi con. Chị đã phải vài lần dừng lại, nén giọt nước mắt, khi nhắc đến khoản trợ cấp nuôi con. Có lẽ, tận sâu trong tâm khảm của mình, chị ước rằng mình không phải yêu cầu được nhận những khoản tiền đó. Bù lại, hãy trả người chồng về với chị sau mỗi chuyến chạy xe đi xa nhà như trước đây anh vẫn thường làm, hãy trả lại người cha cho đứa con của chị mới lên 7 đang rất cần một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho đến khi nó trưởng thành.
 
Ngày 29/3/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đã xét xử lưu động và tuyên án tử hình đối với bị cáo Kiều Quốc Huy (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) về hành vi giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Huy đã dùng súng giết chết anh Hoàng Thế Vinh (35 tuổi, quê Đắk Lắk) để cướp chiếc xe mà anh Vinh chạy để chở Huy từ Đắc Lắc về Bảo Lộc. Khi bị bắt, Huy khai nhận trước đó đã giết chết vợ chồng anh Đỗ Hoàng Bình và Phạm Thị Mỹ Hạnh (đều 31 tuổi, ngụ tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm). Mục đích giết chết anh Bình, chị Hạnh là đã cướp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà trước đó Huy và vợ chồng anh Bình đã có thỏa thuận mua bán.

Người mẹ đứng trước tòa đanh giọng trách kẻ giết người đã không hối cải khi còn đổ lỗi cho con bà đã bức bách nên mới dẫn đến việc giết người. Nhưng, giọng bà lại dịu xuống, mắt ngấn lệ khi nhắc đến đứa con của mình. Với bà, có đền cho bà bạc triệu thì cũng không thể bù đắp được nỗi đau mà bà đã đeo mang trong suốt những tháng năm dài. Bà đã từng hy vọng con trai và con dâu sẽ trở về sau nhiều năm “trốn nợ”. Bà đã từng hy vọng hai hài cốt bị phi tang dưới giếng không phải là con trai và con dâu của bà. Vậy mà, tất cả đều vô vọng, tất cả còn lại là một nỗi đau trong tuyệt vọng. Con bà đã bị giết. “Hắn giết chết con tôi còn dám tìm đến nhà đòi tôi trả nợ thay con. Hắn tung tin con tôi còn nợ hắn 600 triệu đồng rồi bỏ trốn. Tôi tin là thế nên bao nhiêu năm trời không thấy con quay về, không thấy con liên lạc cũng không mảy may suy nghĩ. Tôi vẫn nghĩ, một ngày nào đó, chúng nó sẽ trở về thôi. Vậy mà… ngày về của tụi nó lại là mấy năm trời hoang lạnh ngay dưới giếng sâu của chính ngôi nhà mình”. 

 
Vợ của bị cáo đứng trước tòa chỉ biết cúi mặt và khóc. Chị lí nhí trả lời những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa. Ở chị, một lòng tin tưởng tuyệt đối dành cho chồng. Chị biết chồng mình có cất giữ súng trong nhà nhưng tin đó chỉ là súng thể thao để đi săn. Chị thấy chiếc xe chồng chạy về đêm đó có vết máu nhưng tin đó là máu của người được chồng đưa đi cấp cứu. Chị cũng là vợ, chị cũng là mẹ nên nỗi đau trong chị có lẽ không thể vơi hơn thân nhân người bị hại. Chỉ có điều, khó ai có thể thông hiểu, thông cảm cho chị. Từ khi chồng bị bắt về tội giết người, chị chưa một lần được thăm nuôi. Khi tòa nghị án, chị dợm bước mấy lần đến bên chồng nhưng đều bị cản lại. Khi tòa tuyên án tử hình chồng, chị ngã quỵ và khóc ngất. Chị nán lại thật lâu, khi khán phòng xét xử đã vắng lặng người, chị mới rời đi. Chị tránh ánh mắt của mọi người, dù là ánh mắt cảm thông hay trách cứ. Ánh mắt của chị xa xăm, lo lắng. Tương lai của con, của chị rồi sẽ ra sao khi búa rìu dư luận cứ mãi phán xét vào những người vô tội như chị, như con của chị. 
 
Cha mẹ của bị cáo không có mặt tại phiên tòa. Có lẽ, họ căm phẫn vì tội ác con mình gây ra nhưng họ không thể căm ghét và buông bỏ đứa con do chính mình dứt ruột đẻ ra. Lời vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đanh thép nhưng cũng có lúc chùng xuống khi nói rằng: Hành vi tội ác của bị cáo như một nhát dao giết chết cha mẹ mình. Rồi đây, ông bà còn dám ngẩng cao đầu để nhìn bà con lối xóm vì những tội ác mà con mình gây ra? Rồi đây, họ còn có thể sống an vui trong quãng đời còn lại khi đứa con do mình sinh ra phải đền tội bằng chính mạng sống của mình. Tội ác của bị cáo là thế, nhưng nước mắt lúc nào cũng chảy xuôi, cha mẹ bị cáo chưa một lần buông bỏ. Họ vẫn đều đặn xin thăm nuôi trong suốt thời gian bị cáo bị tạm giam dù yêu cầu đó chưa một lần được tòa chấp thuận.
 
Ba mạng người bị giết ở hai vụ án khác nhau, hai phiên xét xử sơ thẩm về các tội danh giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Nỗi đau qua hai phiên xét xử như càng bị dồn nén khi bị cáo đến tòa với thái độ thản nhiên. Ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào ống kính phóng viên, nhìn thẳng vào hội đồng xét xử và bình thản trả lời rành mạch từng câu hỏi, từng chi tiết tội ác đã gây ra và như sẵn sàng đón chờ bản án dành cho mình. Phiên tòa kết thúc, tội ác phải đền trả bằng án tử hình khiến nhiều người dự phiên tòa đồng thuận. Ra về, mọi người lại râm ran kháo nhau “sắp được” xem phiên tòa lưu động khác, xét xử vợ cùng người tình giết chồng, chôn xác. Bất chợt cảm thấy rùng mình khi tội ác cứ được tiếp diễn bằng tội ác, khi những hành vi và thủ đoạn giống nhau, cũng giết người rồi chôn xác, như được kẻ sau học từ kẻ trước. Bất chợt cảm thấy sợ những cây viết, những bài báo đã miêu tả cặn kẽ, chi tiết đến đáng sợ, đến vô cảm hành vi tội ác.
 
ĐÔNG ANH