
Gia Bắc nổi tiếng vì cái khó, cái nghèo và đang tìm hướng vươn lên, thoát khỏi sự bó buộc của khó khăn. Nói tới chuyện giàu có thì còn xa, nhưng hôm nay quả thật Gia Bắc đã không còn cái đói giáp hạt.
Gia Bắc nổi tiếng vì cái khó, cái nghèo và đang tìm hướng vươn lên, thoát khỏi sự bó buộc của khó khăn. Nói tới chuyện giàu có thì còn xa, nhưng hôm nay quả thật Gia Bắc đã không còn cái đói giáp hạt.
 |
Nông dân Gia Bắc nghe hướng dẫn trồng cây mắc ca trong vườn cà phê. |
K’Vững, Chủ tịch UBND xã Gia Bắc đón khách với nụ cười rất cởi mở. Anh bảo, Gia Bắc quê anh là vùng đất của người K’Ho Nộp, người K’Ho chuyên trồng lúa nương, lúa rẫy xưa kia. Khi ấy nhà nào chăm chỉ lắm, có đông người làm mới đủ thóc ăn, còn nhà ít người hay có người già, người bệnh, việc đứt bữa là chuyện xảy ra thường xuyên mỗi mùa giáp hạt.
K’Vững còn nói thêm, với 738 hộ và trên 3.500 nhân khẩu, Gia Bắc là một trong những xã có quy mô dân số nhỏ nhất trong tỉnh Lâm Đồng và trong đó chiếm tới 98% là người K’Ho Nộp. Anh bảo, giờ xã còn tới 67 hộ nghèo, chiếm gần 9% so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh thì thấy cao, nhưng nếu lật lại một chút thời gian thì chỉ 5 năm trước thôi, năm 2016, xã có tới 168 hộ nghèo. Sau 5 năm, số hộ nghèo mỗi năm giảm 20 hộ là cả sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị và cư dân Gia Bắc.
Người Gia Bắc chăm chỉ, K’Vững tâm sự thế. Anh bảo, không chăm chỉ sao sống được bởi sự khác biệt với những xã khác trong huyện Di Linh thường mưa thuận gió hòa, còn Gia Bắc rất khô hạn. Có lẽ do những ngọn núi cao chắn mất hơi nước từ biển lên, khiến quê hương người K’Ho Nộp rất thiếu nước. Cây lúa rẫy không giúp làm no bụng người Gia Bắc, giờ bà con chuyển sang trồng bắp cao sản, trồng cà phê. Toàn xã có 430 ha bắp, gần 1.500 ha cà phê. Thu nhập từ hạt bắp, từ trái cà phê giúp các gia đình không còn cảnh đói nhưng muốn khấm khá thì còn cần cố gắng nhiều. Anh cho biết, hiện bà con đang thực hiện tái canh cà phê tới 200 ha, trồng mới hoàn toàn bằng giống cà phê chất lượng cao. Thay vì tái canh theo hướng ghép chồi mới, bà con trục gốc, trồng mới hoàn toàn. Và học theo bà con xã khác, nhiều hộ trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê. Vì đều là cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chưa có trái nhưng với sự thay đổi trong tư duy của người dân Gia Bắc, K’Vững tin chỉ mai này thôi, những vườn sầu riêng trên đất Gia Bắc sẽ nở hoa kết trái. Mỗi năm, ngân sách cấp cho xã trên 400 triệu đồng để xóa đói giảm nghèo. Xã đánh giá, phân bổ kinh phí cho mỗi gia đình, giúp họ lên kế hoạch làm ăn kinh tế và theo sát cả quá trình sử dụng đồng vốn. Mua giống, mua phân, mua máy bơm, công cụ…, những đồng tiền ấy đã giúp mỗi năm hàng chục hộ thoát nghèo. Nhận tiền hỗ trợ, bà con cũng quyết định đăng ký thoát nghèo, dùng đồng vốn làm ăn hiệu quả, xây dựng kinh tế gia đình.
Hết đói, giảm nghèo, người Gia Bắc mới quan tâm tới nhà cửa, tới việc học của con em. K’Vững khoe, 5 năm trước xã gần như toàn nhà gỗ cũ nát, nhà xây chỉ đếm trên đầu một bàn tay. Đến năm 2020, toàn xã có trên 100 căn nhà xây vững vàng, nhiều căn trị giá 400-500 triệu đồng, rất đẹp và kiên cố. Nếu trước đây chỉ một vài bạn đi học cao hơn thì nay trường lớp đầy đủ, con em đến trường thuận lợi hơn, nhiều bạn ra ngoài học cao đẳng, đại học, ở lại thành phố làm ăn.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của các đoàn thể, điện - đường - trường - trạm Gia Bắc hôm nay đã khang trang, sạch đẹp. Xã cũng luôn nhắc nhở cư dân chú ý tới việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều con đường liên thôn Đạ Hồng - K’Sá được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, giúp Gia Bắc sáng giữa đêm cao nguyên.
Mảnh đất quê hương của người K’Ho Nộp giữa những ngọn núi xanh còn đầy vất vả. Nhưng bàn tay chăm chỉ lao động của người Gia Bắc và sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền, của cộng đồng đã, đang và sẽ đồng hành cùng Gia Bắc vươn lên, mang lại no ấm cho vùng đất xa xôi và đầy thân thương.
DIỆP QUỲNH