Để nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp (bài 1)

VĂN VIỆT 06:42, 02/06/2023

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong những năm qua mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi bên cạnh những khó khăn thách thức, nhưng mô hình tăng trưởng hiện nay tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cần huy động nhiều nguồn lực, triển khai những nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới. 

 

Bài 1: Tăng trưởng từ các lĩnh vực trọng tâm

 

Nhìn từ giai đoạn 2016 - 2022, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, công trình trọng tâm, trọng điểm theo hướng tiếp cận đa ngành, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 4,56% tăng lên 6,46%. Cụ thể, các yếu tố cấu thành tăng trưởng nông nghiệp được ghi nhận có tốc độ tăng gần 5,8%/năm (trồng trọt); 7,3%/năm (chăn nuôi); 7,8%/năm (thủy sản)...

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu

NÂNG CẤP HẠ TẦNG THỦY LỢI, GIAO THÔNG NỘI ĐỒNG

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, triển khai các giải pháp chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ tăng trưởng nông nghiệp trong những năm gần đây, toàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi không chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng mà còn cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, cải tạo và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái. Thống kê toàn tỉnh có 227 hồ chứa, liên hồ chứa, 91 đập dâng, 19 trạm bơm, khoảng 1.200 km kênh mương, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu... đã chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.659 ha đất canh tác. Hệ thống tưới thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến tiết kiệm đạt 48.388 ha, nâng tổng số diện tích được tưới đạt 138.850 ha (chiếm 67,1% diện tích). Đầu tư cơ giới hóa đạt các tỷ lệ 100% (vắt sữa); 78% (làm đất); 69% (gieo trồng, chăm sóc); 38% (sản xuất thức ăn chăn nuôi); 32% (quản lý chuồng trại); 21% (thu hoạch). 

Đồng thời với việc nâng cấp hạ tầng, giao thông thủy lợi nội đồng, trong những năm qua, việc chuyển đổi giống cây trồng đã giảm diện tích dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn khoảng 45.000 ha (tương ứng khoảng 15% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh), góp phần đạt doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích 237 triệu đồng/ha năm 2022, tăng 1,6 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có khoảng 267.300 ha cây dài ngày, 61.500 ha cây ngắn ngày; gieo trồng bình quân trên 396.000 ha/năm (tăng 5,8%/năm). Trong chăn nuôi VietGAHP 4 vùng tập trung với 50 tổ hợp tác và 718 hộ nuôi 67.882 con heo, sản lượng 14.339 tấn; 4 cơ sở nuôi 140.000 con cá tầm; 3 trang trại chăn nuôi 193.000 con heo; 2 cơ sở chăn nuôi 33.300 con gia cầm; 26 cơ sở nuôi 5.860 đàn ong; chứng nhận Organic khoảng 1.045 con bò sữa tại Trang trại Bò sữa Vinamilk Lâm Đồng. Tổng đàn vật nuôi giai đoạn từ 2016 - 2022 tăng bình quân 0,7%/năm.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đạt tổng đàn bò 101.882 con (tăng 1%/năm), trong đó đàn bò sữa 25.088 con (tăng 4,5%/năm), đàn heo 455.000 con (tăng 1%/năm); đàn gia cầm gần 11 triệu con (tăng 10,1%/năm). Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 108.853 tấn (tăng 3,1%/năm), trứng gia cầm hơn 362 triệu quả (tăng 12,8%/năm); sữa tươi 106.853 tấn (tăng 7,3%/năm); kén tằm 15.455 tấn (tăng 21,2%/năm). “So sánh trên tổng đàn thì tỷ lệ gia súc, gia cầm trong các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 37%, chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ khoảng 63%. Chất lượng đàn vật nuôi dần được cải thiện, năng suất nâng cao, tỷ lệ giống bò sữa cao sản hơn 90%, tỷ lệ bò lai hơn 78%; tỷ lệ sử dụng các giống heo mới đạt trên 95%. Có khoảng 21.658 cơ sở chăn nuôi (chiếm tỷ lệ 78%) xử lý chất thải bằng biogas hoặc các hình thức tiên tiến khác để bảo vệ môi trường...”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng nhận định. 

Toàn tỉnh áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP sản xuất trên 3.060 ha rau các loại
Toàn tỉnh áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP sản xuất trên 3.060 ha rau các loại

PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ 

Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) tiếp tục phát huy hiệu quả, bình quân mỗi năm thành lập từ 15 - 20 HTX, nâng tổng số 390 HTX nông nghiệp với 8.657 thành viên. Đặc biệt, có 4 liên hiệp HTX đã và đang hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm đối với 25 HTX thành viên. Bình quân mỗi năm doanh thu hơn 2,2 tỷ đồng/HTX; thu nhập 72- 75 triệu đồng/lao động. Tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt trên 45%. Toàn tỉnh còn có 381 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 8.476 tổ viên. Các THT hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 206 trang trại trồng trọt (chiếm 35%); 348 trang trại chăn nuôi (chiếm 60%); 30 trang trại tổng hợp, (chiếm 5%). Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 213 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và kiểm soát chất lượng nông sản theo chuỗi an toàn, quy mô 31.674 ha với sản lượng 480.738 tấn nông sản và 210 triệu cành hoa; chăn nuôi 868.000 con với sản lượng hơn 143.253,7 tấn, tham gia gồm 172 doanh nghiệp, 90 HTX và 19.701 hộ. 

Cũng tính đến hết năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 2.336 ha, sản lượng đạt 9.490 tấn. Trong đó, diện tích nuôi cá nước lạnh ổn định 53 ha với sản lượng ước 1.500 tấn/năm. Trong khi đó, toàn tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản khoảng 79 hồ chứa với 680 ha; còn lại 85 hồ chứa với 1.177 ha chưa được cấp phép. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 54 công trình thủy điện chưa được tận dụng khai thác để phát triển nuôi trồng thủy sản. Qua góc nhìn gần của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thì “nuôi trồng thủy sản ở Lâm Đồng tận dụng vùng trũng thấp và mặt nước ao, hồ, đập để nuôi các loại cá truyền thống (trắm, chép, mè, trôi…); phương thức nuôi chủ yếu quảng canh và quảng canh cải tiến; diện tích nuôi trồng tận dụng các ao, hồ chứa nước nhỏ phục vụ tưới ở các khu vực sản xuất nông nghiệp xa công trình thủy lợi có chiều hướng giảm theo các năm…”.

Riêng về mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn thấp. Phần lớn các cây trồng chủ lực như rau, hoa, cà phê…đều thu hoạch hoàn toàn thủ công. Mặc dù đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, nhưng còn thiếu sự đồng đều trong quá trình canh tác, nên đã trở thành yếu tố cản trở lớn để thực hiện các giải pháp cơ giới hóa trên đồng...

(CÒN NỮA)