Cùng khởi nghiệp khả quan với cà phê

VĂN VIỆT 05:52, 26/05/2023

3 nam thanh niên trẻ cùng bắt tay khởi nghiệp nâng cao giá trị tích hợp các sản phẩm chế biến vỏ, hạt nhân từ cây cà phê cảnh quan Lâm Đồng, bước đầu mang lại những kết quả khả quan trên thị trường. 

3 nam thanh niên trẻ cùng khởi nghiệp khả quan với các sản phẩm cà phê
3 nam thanh niên trẻ cùng khởi nghiệp khả quan với các sản phẩm cà phê

Giữa tháng 5 vừa qua, tại khu vực lối vào siêu thị Go! Đà Lạt và Rạp Cinestar Đà Lạt, một trong những gian hàng công nghiệp nông thôn Lâm Đồng được người địa phương và du khách quan tâm với hơn 10 dòng sản phẩm chế biến quy trình đặc biệt từ cây cà phê như: kẹo dẻo từ nước quả cà phê tươi lên men, trà và chocolate cascara từ vỏ cà phê; cà phê trồng và rang xay bột tại vườn nhà; bánh quy hạt cà phê 6 vị trà xanh, dâu tây, vani, cà phê sữa, cà phê đen, bạc xỉu. 

Nam thanh niên Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1996), chủ nhân của sản phẩm “Cà phê sạch vườn nhà” thổ lộ: “Chúng tôi là những người trẻ yêu thiên nhiên và mong muốn chung sống thân thiện với môi trường. Chúng tôi vận hành nông trại riêng của mình gần Đà Lạt, tự trồng và chế biến cà phê sạch cung cấp theo xu hướng tiêu dùng của thị trường và đón khách tham quan trải nghiệm mỗi ngày…”. Theo đó, từ năm 2017, Huy tìm đến xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25 km để thuê dài hạn khoảng 2 ha cà phê Robusta và Katimor thâm canh kết hợp đầu tư nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan và nghiên cứu chế biến tại chỗ các dòng sản phẩm cà phê sạch với hương vị đặc trưng cao nguyên Lâm Đồng cho khách tham quan, trải nghiệm và bán ra thị trường để thu lợi nhuận. Kết quả chăm sóc cà phê không hóa chất đến năm 2020, Huy ổn định năng suất 2 tấn hạt cà phê nhân/2 ha, giảm 50% so với canh tác thông thường trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận tổng hợp dần dần tăng lên vượt trội khi Huy phát triển lên thành nông trại đón khách tham quan, lưu trú và hoàn chỉnh quy trình sơ chế, chế biến cà phê thương phẩm. 

Qua hạch toán vào thời điểm giữa tháng 5/2023, Huy trình làng thương hiệu cà phê Midori Farm mỗi năm thu hoạch 2 tấn nhân và thu mua từ nông dân quanh vùng thêm 2 tấn nhân nữa đưa vào chế biến thành 800 kg cà phê bột sạch theo nhu cầu khách hàng, trong đó chiếm khoảng 15% phục vụ khách tham quan trải nghiệm; 85% tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử và các cửa hàng đặc sản Đà Lạt, đại lý phân phối trong nước. Dự kiến, doanh thu của Huy sẽ tăng thêm khoảng 30% vào cuối năm 2023. 

Từ khu vực Midori Farm, Huy đã kết nối với Nguyễn Văn Hoài Nam (sinh năm 1989), người cùng ý tưởng khởi nghiệp từ cà phê tại TP Đà Lạt. Với mong muốn giúp du khách và người tiêu dùng địa phương thưởng thức sản phẩm đặc trưng Nam Tây Nguyên, Nam và Huy đã cùng nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình sản xuất bánh quy từ vỏ cà phê với hương vị hấp dẫn thị trường tiêu thụ ngay từ thời điểm chào hàng. Hoài Nam chia sẻ: “Cà phê thu hoạch bằng tay chọn lựa từng trái chín ngọt từ nông trại Midori của Huy đem đi rửa sạch, khử trùng, lên men bằng nguyên liệu tổng hợp chiết xuất cây, cỏ trong môi trường tự nhiên Lâm Đồng. Tùy theo độ chín của quả cà phê, thời gian lên men từ 36 - 48 giờ. Tiếp tục phơi trong nhà kính ít nhất 24 giờ trước khi đưa vào máy tách vỏ, hạt. Sau đó, lấy nguyên liệu vỏ cà phê chế biến dạng bột, đưa vào sấy lạnh thành sản phẩm bánh quy hình dáng hạt nhân cà phê bán ra thị trường…”. Cụ thể, tỷ lệ 1 kg quả cà phê chín mọng thu được 300 gam vỏ tươi. Cứ 8 kg vỏ tươi xay thành 1 kg vỏ bột làm nguyên liệu cho Hoài Nam chế biến các loại bánh quy đặc sản Tây Nguyên theo công thức tự tìm tòi, đúc kết vừa nêu. 

Cũng từ nguyên liệu vỏ cà phê, nam thanh niên Nguyễn Phú Cường ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã nghiên cứu, chế biến thành công các dòng sản phẩm kẹo dẻo từ nước quả cà phê tươi lên men, trà và chocolate cascara nói trên. Trong đó, đặc biệt sản phẩm chocolate cascara của Nguyễn Phú Cường đoạt giải Ba Cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Ban Quản lý Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Quy trình hoàn chỉnh ở đây được Nguyễn Phú Cường thổ lộ: “Quy trình làm chocolate cascara sử dụng nguyên liệu bột vỏ cà phê của thương hiệu Bảo Lộc Coffee House kết hợp với nguyên liệu bơ cacao trắng, mắc ca và cỏ ngọt. Nung nóng bơ cacao trắng và phối trộn với tỷ lệ vỏ cà phê và mắc ca theo công thức riêng biệt. Sau đó đổ vào khung tạo hình đông đặc để tạo thành chocolate cascara...”. 

Kết quả tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi tháng, Nguyễn Phú Cường và Nguyễn Văn Hoài Nam đã lần lượt tiêu thụ trên thị trường hàng trăm ký bánh quy, chocolate, kẹo dẻo, tương ứng với 8 lần khối lượng vỏ cà phê nguyên liệu thu hoạch từ diện tích nông trại Midori của “cộng sự” Nguyễn Quang Huy nói riêng, của nông dân Lâm Đồng nói chung. 

Mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023, khối lượng sản xuất các sản phẩm đặc sản từ nguyên liệu vỏ cà phê của Cường, Nam tăng lên gấp 3 lần; lượng khách thu hút đến nông trại cà phê Midori trải nghiệm của Huy tăng thêm 30%. Mức phát triển doanh thu này dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thị trường tiêu thụ qua các đại lý, doanh nghiệp phân phối, kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, các cửa hàng đặc sản Đà Lạt, tour lữ hành trong nước, các thư điện tử kết nối với khách hàng nước ngoài…