Chủ động ứng phó các tình huống xảy ra sự cố tại các cơ sở bức xạ

06:12, 30/12/2022
(LĐ online) - Hiện nay, ở tỉnh Lâm Đồng, nguồn phóng xạ kín được sử dụng rất rộng rãi và nhiều nhất trong 2 lĩnh vực là công nghiệp và y tế. 
 
Lực lượng hỗ trợ kỹ thuật (Viện Nghiên cứu hạt nhân) kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ trong đợt diễn tập sự cố bức xạ hạt nhân năm 2020 (Ảnh Viện nghiên cứu hạt nhân cung cấp)
Lực lượng hỗ trợ kỹ thuật (Viện Nghiên cứu hạt nhân) kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ trong đợt diễn tập sự cố bức xạ hạt nhân năm 2020 (Ảnh Viện nghiên cứu hạt nhân cung cấp)
 
Các sự cố bức xạ nếu xảy ra trong thực tế sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và tâm lý của cộng động. Do đó, việc dự phòng các tình huống xảy ra sự cố như mất nguồn xạ tại các cơ sở bức xạ là vô cùng quan trọng.
 
Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tại các cơ sở.
 
Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố cấp cơ sở để chủ động xử lý các tình huống đối với sự cố mất nguồn phóng xạ kín (thuộc nhóm 3 trở lên).
 
Hiện nay, theo thống kê, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là đơn vị sử dụng 126 nguồn phóng xạ và lưu giữ  891 nguồn phóng xạ, nhiều nhất cả tỉnh. Ngoài ra còn có một lượng chất thải phóng xạ bao gồm: 11 thùng phuy 200 lít chứa vật liệu nhiễm xạ Co-60 (trong đó có 1 thùng chứa bao bì, quần áo nhiễm xạ); 306,31 kg mẫu vật Urani (giả); 514,5 kg mẫu vật Urani nghèo, 263 thùng phuy 200 lít chứa các chất thải phóng xạ dạng rắn/lỏng sinh ra từ các hoạt động vận hành lò phản ứng và đã được điều kiện hóa.
 
Công tác quản lý nguồn phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân được Viện chú trọng, duy trì ổn định. Viện đã tổ chức quản lý các nguồn phóng xạ đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BKHCN ngày 30/5/2019 quy định về đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, xây dựng nội quy an toàn bức xạ tại nơi lưu giữ; thiết lập hệ thống camera giám sát tại kho lưu giữ nguồn; các nguồn phóng xạ được cất giữ tại các hầm chứa có nắp bê tông; việc tiếp nhận/mang các nguồn phóng xạ vào/ra khỏi các kho đều được ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi.
 
Một trong số kế hoạch diễn tập được dựa trên tình huống giả định được đặt ra là một nhân viên bảo dưỡng của cơ sở bức xạ khi tới xưởng bảo dưỡng để lấy khối nguồn phóng xạ kín gamma Cs-137 dùng lắp vào hệ đo mức vật liệu phối trộn ở khu vực bên cạnh (khối nguồn phóng xạ này được tháo ra trước đây để bảo dưỡng hệ đo mức vật liệu phối trộn), thì phát hiện không thấy khối nguồn này. 
 
Ngay lập tức, nhân viên báo cho người phụ trách an toàn bức xạ và phụ trách xưởng về vụ việc. Phụ trách an toàn bức xạ báo cáo cho trưởng ban chỉ huy (người quản lý cơ sở bức xạ - chủ cơ sở) về sự cố: Sự cố thuộc nhóm nguy cơ IV và mức báo động cấp 1. Chủ cơ sở bổ nhiệm người chỉ huy tại hiện trường là Đội trưởng Đội ứng phó sự cố; đồng thời, thông báo cho các thành viên Đội ứng phó sự cố của cơ sở.
 
Các thành viên Đội ứng phó sự cố chuẩn bị trang thiết bị trước khi tới hiện trường gồm 2 máy đo suất liều gamma cầm tay, 1 máy kiểm soát nhiễm bẩn bề mặt, 5 liều kế cá nhân TLD, 5 bút đo liều, 1 bình chì, 1 que sắt dài gắp nguồn, vài bảng cảnh báo, 1 cuộn dây chăng, vài giá sắt, 1 cuộn băng keo, 1 xe đẩy nguồn, 2 túi nilong lớn, 1 tấm nilong trải to, 5 bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng (gồm: 5 mặt nạ hô hấp, 5 đôi găng tay, 5 đôi giày kín/ủng), điện thoại di động, sổ sách và bút ghi chép. 
 
Sau khi chuẩn bị xong, Đội trưởng cùng các thành viên Đội ứng phó sự cố tới hiện trường và tác nghiệp. Yêu cầu những người không có phận sự ra xa khỏi khu vực của Đội ứng phó sự cố tác nghiệp. Sau đó, tổ chức phân công nhiệm vụ tác nghiệp gồm: 2 người dò tìm nguồn phóng xạ dùng máy đo suất liều gamma; 1 người kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ dùng máy kiểm soát nhiễm bẩn bề mặt; 1 người khoanh vùng, gắn biển cảnh báo, phụ giúp các thành viên còn lại, ghi chép sổ sách, báo cáo tình hình ứng phó cho Đội trưởng. Đội ứng phó sự cố tiến hành dò tìm khối nguồn phóng xạ ở những vị trí nghi ngờ.
 
Ngay khi tìm thấy nguồn phóng xạ, 3 thành viên sẽ tiến hành thu hồi nguồn phóng xạ vào bình chì, đưa lên xe đẩy, chuyển nguồn tới vị trí an toàn. 1 thành viên tiến hành kiểm soát bẩn bề mặt khối nguồn để đảm bảo nguồn phóng xạ không gây ô nhiễm môi trường (ở dạng kín) và kiểm soát bẩn bề mặt cho các thành viên Đội ứng phó sự cố và trang thiết bị.
 
Sau hoàn thành việc thu hồi nguồn và đưa nguồn về vị trí an toàn, Đội trưởng báo cáo tình hình và kết quả ứng phó sự cố cho chủ cơ sở và phụ trách xưởng. Chủ cơ sở ra quyết định kết thúc hoạt động ứng phó sự cố và báo cáo lực lượng công an để điều tra nguyên nhân mất nguồn phóng xạ. Sau đó, chủ cơ sở báo cáo bằng văn bản về sự cố, tình hình và kết quả ứng phó sự cố cũng như bài học kinh nghiệm cho Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia về an toàn bức xạ và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết thêm, công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân ở Viện thời gian qua được thực hiện rất tốt. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ các nguồn phóng xạ. Hàng năm, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đều tiến hành kiểm kê, kiểm soát các nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân nhằm bảo đảm an toàn và an ninh khi sử dụng cũng như lưu giữ chúng.
 
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, thực tế, ở tỉnh Lâm Đồng trước nay chưa xảy ra sự cố về bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên, thông qua các đợt diễn tập sự cố tại cơ sở và quy mô cấp tỉnh sẽ giúp các đơn vị chủ động phòng ngừa, có phương án kịp thời để hạn chế được những nguy cơ mà sự cố bức xạ và hạt nhân có thể gây ra.
 
HỒNG THẮM