Ngày 22-12-1961: Bác khẳng định: "Quân đội ta là một quân đội anh hùng"

08:12, 22/12/2022
Đó là phát biểu của Bác Hồ trong buổi tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-12:
 
Sự kiện trong nước
 
- Ngày 22-12-1922 là ngày sinh của nhà văn Chu Văn tên thật là Nguyễn Văn Chử, quê ở Thái Bình. Từ năm 1950, ông phụ trách toà soạn báo Cứu Quốc - Liên khu III. Chu Văn thật sự khẳng định tài năng của mình bằng tiểu thuyết "Bão biển" (xuất bản năm 1969) viết về một vùng nông thôn công giáo ven biển miền đồng bằng Bắc Bộ trong những năm bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Chu Văn có một bút pháp hiện thực chặt chẽ, vừa có thể khắc hoạ bức tranh xã hội, vừa đi sâu vào những số phận cá nhân và những tính cách nhân vật.
 
Nhà văn Chu Văn
Nhà văn Chu Văn
 
- Ngày 22-12-1954, trong bài viết “Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân” đăng trên báo “Nhân dân”, với bút danh “C.B”, bài báo ôn lại: “10 năm trước đây, quân đội Nhật Pháp tung hoành, nhân dân Việt Nam khốn khổ. Trong lúc đó ở Lạng Sơn, Cao Bằng, vài nhóm du kích bắt đầu tổ chức. Tuy cái gì cũng thiếu nhưng dũng cảm có thừa. Hồi đó có người nói với một giọng thương hại: “Châu chấu sao đấu nổi ông voi!”. Bác trả lời một cách đanh thép: “Bây giờ chúng ta mới có vài chục người du kích, chắc chắn sau này chúng ta sẽ có hàng chục vạn hùng binh”. Rất tin tưởng, đồng bào Cao - Lạng trả lời bằng cách khuyên con em tham gia các đội du kích và hết lòng ủng hộ các chiến sĩ như cha mẹ săn sóc đàn con cưng...”,  và bài báo kết luận bằng câu thơ: “Quân ta công trạng lớn lao, Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình!”
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn (23-2-1960). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn (23-2-1960). Ảnh tư liệu
 
- Ngày 22-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Nội dung thư, Người biểu dương những thành tích của quân đội ta trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong công cuộc khôi phục kinh tế. Người nêu rõ nhiệm vụ của quân đội là phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao phó. Quân nhân phục viên, thương binh cần ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tính tích cực của mình trong sản xuất và trong mọi mặt công tác.
 
- Ngày 22-12-1960, được tin Hội người mù Hà Nội đang tổ chức lớp học chữ nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố chuyển đến tặng học viên nhà trường 25 bảng viết và dùi viết. Người còn gửi tặng riêng ông Trần Công Nhuận, thương binh hỏng mắt hạng 1/4 một huy hiệu của Người.
 
- Ngày 22-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng ngày, Người dự tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi chiêu đãi kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22-12-1958. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi chiêu đãi kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22-12-1958. Ảnh tư liệu
 
Phát biểu trong buổi tiệc, Bác khẳng định: “Quân đội ta là một quân đội anh hùng. Quân đội ta đã phát triển từ nhỏ đến lớn, từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Nhờ học tập kinh nghiệm và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc ta, của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Quang Trung, học tập quân đội Liên Xô, quân đội Trung Quốc, quân đội ta đã chiến thắng vẻ vang và ngày càng tiến bộ, nhưng không được chủ quan mà còn phải học tập mãi để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại. Quân đội ta còn là một quân đội lao động, tích cực tham gia xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho công cuộc hòa bình thống nhất nước nhà”.
 
Cùng ngày, bài viết “Lại thêm một vố vào đầu thực dân” của Bác, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2831, giới thiệu về thắng lợi của nhân dân Ấn Độ vừa giải phóng được xứ Goa bị thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm 400 năm nay.
 
Bài báo kết luận: “Nhân dân Việt Nam rất vui mừng Ấn Độ đã giành thắng lợi, nhân dân Goa đã được trở về với tổ quốc mình. Nhân dân Ấn Độ thì càng thấy rõ ai là thù, ai là bạn. Nhân dân thế giới càng vui mừng rằng chủ nghĩa thực dân đã bị thêm một vố vào đầu và đã đến ngày hoàn toàn tan rã”.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giữa 2 nước
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giữa 2 nước
 
- Ngày 22-12-1992, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Trải qua 30 năm, hai nước đã không ngừng nỗ lực để nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001, “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009 và hiện nay lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng nhất trí nâng tầm quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” (năm 2022). Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.
 
Sự kiện quốc tế
 
- Ngày 22 -12-1885, Itō Hirobumi đã trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Đến nay, chức vụ thủ tướng vẫn là chức vụ quan trọng bậc nhất trong chính trường Nhật Bản.
 
Thủ tướng Nhật Bản Itō Hirobumi đầu tiên nhậm chức năm 1885
Thủ tướng Nhật Bản Itō Hirobumi đầu tiên nhậm chức năm 1885

 

 (Theo qdnd.vn)