Cầu Long Biên - Một phần lịch sử vô giá của Hà Nội

12:10, 19/10/2022
(LĐ online) - Năm 2022 này, cầu Long Biên tròn 120 tuổi. Vượt qua những thử thách của thời gian, quá khứ có thể nhìn thấy rất rõ trên từng nhịp của cây cầu và trở thành một phần lịch sử vô giá của Hà Nội. Dù có nhiều cây cầu hiện đại và hoành tráng đã được xây dựng bắc qua sông Hồng như Cầu Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nhưng cầu Long Biên luôn giữ một ví trí đặc biệt trong lòng người Hà Nội.
 
Cầu Long Biên luôn giữ một ví trí đặc biệt trong lòng người dân Hà Nội
Cầu Long Biên luôn giữ một ví trí đặc biệt trong lòng người dân Hà Nội
 
Cầu Long Biên trước đây có tên là cầu Paul Doumer - tên của viên Toàn quyền Pháp đã đề xuất việc xây dựng cây cầu này. Nhưng dân gian xưa thì thường gọi cây cầu này là cầu Bồ Đề vì cây cầu bắc sang làng Bồ Đề; hoặc còn gọi là cầu Gia Lâm vì bắc sang huyện Gia Lâm. Cầu Long Biên là tên mới được đặt sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Đây là cầu thép được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié của Pháp thiết kế và thi công. Cầu được khánh thành tháng 2/1902. Cây cầu có chiều dài 1.862m, gồm 19 dầm thép. Có một đường ray duy nhất dành cho tàu hỏa ở giữa và hai bên có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Ngoài giá trị giao thông, cầu Long Biên còn là chứng tích lịch sử, một chiếc cầu vắt ngang thế kỷ mà đương thời được coi là một trong những cầu thép lớn nhất thế giới.
 
Một đoàn tàu chạy qua cây cầu lúc Hà Nội vào đúng giờ tan tầm nhộn nhịp
Một đoàn tàu chạy qua cây cầu lúc Hà Nội vào đúng giờ tan tầm nhộn nhịp
 
Khi xây cây cầu này, thực dân Pháp đã hoàn thành tuyến đường sắt quan trọng nhất Đông Dương lúc bấy giờ, tuyến đường sắt nối cửa biển Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc); đồng thời, nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn). Ban đầu, cây cầu chỉ có đường sắt. Đến năm 1922 - 1923, cầu được mở rộng thêm phần cho xe ô tô song hành với đường sắt.
 
Trong chiến tranh, cây cầu đã 14 lần bị bom Mỹ phá hỏng 1.500 m cầu, đánh gục chín nhịp và bốn trụ bị hư hỏng nặng. Sau hiệp định Paris, qua 41 ngày đêm sửa chữa, ngày 4/3/1973, chuyến tàu đầu tiên lại vượt sông Hồng qua cây cầu này. Và cho đến nay, cầu cơ bản không thay đổi về kết cấu, trừ những đoạn bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của Mỹ.
 
Mặc dù đã có rất nhiều cây cầu mới được xây dựng nhưng cây cầu này mỗi ngày vẫn có rất đông người dân qua lại
Mặc dù đã có rất nhiều cây cầu mới được xây dựng nhưng cây cầu này mỗi ngày vẫn có rất đông người dân qua lại
 
Đây cũng chính là cây cầu thép đầu tiên ở Việt Nam. Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, việc xây dựng cây cầu thép này là công sức của rất nhiều công nhân Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Pháp. Cây cầu sử dụng hàng tấn vôi được vận chuyển từ Thừa Thiên - Huế về Hà Nội, cùng với 30.000 mét khối đá và khối gỗ lim được đưa từ Thanh Hóa và hàng tấn xi măng từ Hải Phòng. Các công nhân Việt Nam đã phải lặn sâu xuống sông để xây dựng trụ cầu, dưới mặt nước 30m.
 
Cầu Long Biên mang đậm bản sắc dân tộc dù là di sản kiến trúc hiện đại thời bấy giờ do hình dáng giống một con rồng bay trên sông Hồng, gắn liền với biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Cầu Long Biên hiện vẫn được coi là một trong những cây cầu đẹp nhất Hà Nội nhờ vẻ ngoài hoài cổ độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, cây cầu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền Hà Nội đang cấm xe ô tô, xe ba gác đi qua cây cầu này, tuy nhiên mỗi ngày từ lúc mặt trời bắt đầu hừng sáng cho đến tận đêm khuya, cây cầu vẫn là nhịp cầu đưa đón người dân qua lại giống như cách nó vẫn làm trong hơn một thế kỷ qua.
 
 
Một phụ nữ nông thôn đạp xe qua cây cầu vào tờ mờ sáng để vào khu phố cổ bán rau.
Một phụ nữ nông thôn đạp xe qua cây cầu vào tờ mờ sáng để vào khu phố cổ bán rau.

 

Cây cầu có chiều dài 1.862m. Có một đường ray dành cho tàu hỏa ở giữa và hai bên có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ.
Cây cầu có chiều dài 1.862m. Có một đường ray dành cho tàu hỏa ở giữa và hai bên có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ.
 
NGUYỄN NGHĨA