Tiềm năng lớn để phát triển du lịch canh nông

03:12, 22/12/2022
Có thể nói rằng, du lịch canh nông là một sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và là thế mạnh rất lớn của Lâm Đồng. Phát triển du lịch canh nông, không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp đi khắp nơi. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, qua đó giúp người dân có doanh thu kép từ nông nghiệp công nghệ cao.
 
Khách thăm vườn cà chua organic của Công ty Langbiang Farm
Khách thăm vườn cà chua organic của Công ty Langbiang Farm
 
  DU LỊCH CANH NÔNG PHÙ HỢP VỚI LÂM ĐỒNG
 
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, hoạt động đầu tư, kinh doanh các mô hình du lịch canh nông đã theo đúng định hướng, đảm bảo tính chuyên nghiệp và bền vững. Qua đó du lịch canh nông đã và đang phát triển đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương. Việc phát triển các mô hình du lịch canh nông thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Triển khai thực hiện Quyết định số 933, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đã hướng dẫn các quy định đến các đơn vị kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh và đã có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông gồm: Dự án “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên” của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng; Dự án “Điểm du lịch canh nông Anpha Farm” của Công ty TNHH Anpha Farm; Dự án ”Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông An Nhiên” của Công ty TNHH Nông nghiệp An Nhiên; Dự án “Điểm du lịch canh nông 1000 Hoa” của Công ty TNHH 1000 Hoa tại TP Đà Lạt và Dự án “Đầu tư du lịch canh nông Malakai” của Công ty TNHH Malakai tại TP Đà Lạt. Bên cạnh đó, 2 đơn vị được cấp Quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án là Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng và Dự án Điểm du lịch canh nông Anpha Farm của Công ty TNHH Anpha Farm.
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phươngvà các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch khảo sát và nhận định có một số mô hình mới có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tiễn khiến các doanh nghiệp gặp khó và chưa thể đáp ứng đủ tất cả các tiêu chí theo quy định để được công nhận là điểm du lịch canh nông. 
 
  SỚM THÁO GỠ KHÓ KHĂN
 
Tuy có nhiều sự nỗ lực từ các hộ nông dân cũng như phía cơ quan quản lý nhà nước, nhưng việc triển khai mô hình du lịch canh nông trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế và phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tiễn khiến các doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, mô hình du lịch canh nông hiện đã khẳng định được hướng đi phù hợp và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, giúp nâng cao giá trị tổng hợp của cả ngành Nông nghiệp và Du lịch. Vì vậy, tỉnh sẽ đồng hành cùng với các hợp tác xã, doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch canh nông đạt chất lượng, sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ nhưng khó khăn trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
 
Đại diện Công ty Sunfood chia sẻ, hiện, Công ty đã liên kết với 30 doanh nghiệp để trưng bày sản phẩm bán làm quà tặng cho du khách và thấy triển vọng mô hình này rất lớn. Công ty rất muốn phát triển loại hình du lịch canh nông thật chuyên nghiệp hơn nữa nhưng do vướng cơ chế về chuyển đổi đất để xây dựng khu dừng chân cho du khách nên hiện chưa thể phát triển như ý. Vì vậy, tỉnh và các sở, ngành cần quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng một số công trình nhằm giới thiệu sản phẩm nông nghiệo, đáp ứng các yêu cầu của mô hình phục vụ du lịch. 
 
Còn đại diện Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, đơn vị chuyên sản xuất rau thủy canh, rau mùi tây cho biết, công ty đã mở cửa đón du khách thử 1 tháng và khách đánh giá rất cao nhưng sau đó phải tạm đóng cửa do COVID-19. Hiện, công ty đang tổ chức để có thể mở cửa trở lại nhưng cũng đang gặp những khó khăn về việc xây dựng các bãi đậu xe cho du khách. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp du lịch canh nông trên địa bàn đang gặp phải.
 
Có thể thấy rằng, du lịch canh nông đang phải gánh 2 vai, vừa hoạt động du lịch song song đó vẫn phải tổ chức sản xuất nông nghiệp bài bản. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp muốn đi theo hướng này hiện phần lớn đều đang gặp một số những khó khăn mà khó khăn lớn nhất vẫn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình như bãi đậu xe, nhà trưng bày sản phẩm, khu vệ sinh cho du khách... Một số doanh nghiệp cho biết do hoạt động chính vẫn là sản xuất nông nghiệp nên việc kết hợp làm du lịch mong được hướng dẫn chi tiết và cụ thể về cách làm, hỗ trợ về công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực làm dịch vụ du lịch canh nông...
 
Vấn đề đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên tại điểm để giới thiệu sản phẩm du lịch canh nông với du khách luôn được ngành Du lịch quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian gần đây. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hàng năm sở đều có tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm; thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này và sẽ thường xuyên mở các lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm cho tất cả những đơn vị có nhu cầu. Song song đó bà Ngọc cũng khẳng định, Sở luôn sẵn sàng hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp trong quá trình triển khai mô hình, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động đi vào chuyên nghiệp theo đúng quy chế về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được ban hành.
 
NGUYỄN NGHĨA