Nét xưa Hà Nội trong nhà cổ 87 Mã Mây

02:12, 08/12/2022
Tôi trở lại Hà Nội vào đúng dịp mùa thu với khí hậu mát mẻ và hương cốm thoang thoảng bay khiến lòng người chộn rộn, xốn xang. Cô bạn tôi, hiện đang làm việc tại Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu cho đoàn chúng tôi một trong những điểm đến thú vị trong chuỗi tham quan phố cổ, đó chính là ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Đây là một trong số ít những ngôi nhà được TP Hà Nội bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan.
 
Du khách chụp hình lưu niệm tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây - điểm đến lý thú của Hà Nội
Du khách chụp hình lưu niệm tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây - điểm đến lý thú của Hà Nội
 
Cảm nhận đầu tiên khi bước vào không gian nhà cổ đó là thời gian dường như ngưng đọng trong bức tranh toàn cảnh sinh hoạt của một gia đình người Hà Nội vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ngôi nhà vẫn giữ được nguyên lối kiến trúc cổ khá đặc sắc. Mái ngói rêu phong, giữa các lớp nhà có sân trong để lấy gió và ánh sáng, tầng một (phần tiếp giáp mặt phố) dùng để bán hàng, phía trong để ở và sản xuất, phần trong cùng là bếp và khu vệ sinh. Tầng hai, phòng ngoài để thờ và tiếp khách, phòng trong là nơi ở. Ngôi nhà được trang trí hoành phi, câu đối ở gian thờ và các đồ nội thất bằng gỗ lim trông rất sang trọng.
 
Hướng dẫn viên của Ban Quản lý Phố cổ giới thiệu với đoàn chúng tôi về những nét đẹp độc đáo: Ngôi nhà mang nét kiến trúc truyền thống hình ống với nhiều lớp nhà. Ở giữa ngôi nhà có một khoảng sân để lấy ánh sáng và không khí. Nơi ấy bày cây cảnh. Buổi tối hiu hiu gió, mọi người vẫn thường uống chén nước trà, ngắm trăng rất thi vị. Nhà được tạo nên bởi rất nhiều gỗ, từ mái ngói cho đến hệ thống kèo, cầu thang và những họa tiết trang trí khác đầy tinh tế. 
 
Được biết, khoảng trước năm 1945, chủ nhà là một thương gia gạo nổi tiếng đất Hà thành. Sau năm 1945, người chủ nhượng lại cho một gia đình người Hoa giàu có làm nghề buôn bán và bốc thuốc. Người chủ mới chỉ gắn bó với ngôi nhà chưa đầy 10 năm thì di cư vào Nam, để lại ngôi nhà vắng chủ trong một thời gian dài. Đến năm 1999, ngôi nhà được trùng tu lại theo Chương trình “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội” - dự án giữa TP Hà Nội với TP Toulouse (Pháp). Nay ngôi nhà là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. 
 
Đi vào từng lớp cửa, chúng tôi cảm nhận được sự cổ kính, trầm mặc của ngôi nhà. Nơi đây vẫn còn giữ được những đồ vật cổ, hay còn gọi chính xác hơn là đồ dùng cũ trải qua hàng chục năm còn lưu giữ lại và được sắp đặt theo không gian và thời gian của lịch sử. Chính điều này làm tăng thêm giá trị văn hóa cho di tích. Chúng tôi được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa rất nền nếp gia phong, sinh hoạt có trật tự, giao tiếp có văn hóa, coi trọng vai vế trong gia đình, mọi thành viên đều hội tụ nét thân thiện, gần gũi, ấm cúng…; đó là nét đẹp văn hóa của người Việt cần được lưu giữ.
 
Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài đất 28 m, chiều rộng mặt tiền 5 m và chiều rộng của mặt hậu 6 m. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ) cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp Quốc gia.
 
Phần nội thất của ngôi nhà được bài trí bởi đồ gỗ cổ, đặc biệt là phòng khách và phòng ngủ. Với ý nghĩa phòng khách là nơi trang trọng nên gia chủ đã đặt bàn thờ tổ tiên với hoành phi, câu đối và bộ trường kỷ tiếp khách; trên tường treo bộ tứ quý khắc gỗ. Phòng ngủ cũng được bài trí một cách cẩn thận, gọn gàng để tiết kiệm diện tích với bộ sập gụ, tủ chè và một bộ bàn ghế để gia chủ uống nước, dùng các bữa ăn và tiếp khách thân thiết...
 
Trong ngôi nhà có nhiều khoảng sân, sân thứ nhất được gọi là sân khô, gia chủ trang trí bằng các chậu cây cảnh bonsai để mang thêm nét thiên nhiên vào không gian nhà. Sân thứ 2 gồm một phần có mái che là nơi nấu nướng hay còn gọi là bếp, phần còn lại của sân là bể chứa nước mưa và sân để giặt giũ hay còn được gọi là sân nước. Lớp nhà trong cùng - lớp nhà 3 là khu phụ gồm hệ thống vệ sinh và kho.
 
Điều thu hút du khách đến tham quan Phố cổ Hà Nội, nhất là du khách nước ngoài, đó là ngoài việc được tìm hiểu không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà phố của Hà Nội xưa, ngôi nhà 87 Mã Mây cũng là một trong những địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa - âm nhạc. Nơi đây tổ chức các hoạt động trình diễn thời trang, hát chầu văn, ca trù… thu hút khách khi đến Phố cổ. 
 
Có thể nói, ngôi nhà mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật to lớn. Về lịch sử, nó đánh dấu sự hình thành lịch sử kiến trúc của khu Phố cổ Hà Nội. Xét về không gian đô thị và quần thể kiến trúc, ngôi nhà 87 Mã Mây có bố cục không gian đặc trưng cho kiến trúc nhà ở kiêm bán hàng được xây dựng đầu thế kỷ XIX. 
 
Mặt tiền nhà cổ 87 Mã Mây được trang trí bằng các con tiện gỗ và các chi tiết kiến trúc đặc trưng của nhà ở thời kỳ bấy giờ như cửa lùa gỗ, cửa tâm, tường hồi xây giật tam cấp, trụ đấu mái xây bằng gạch, chi tiết trang trí diềm mái…
 
Căn nhà ấy, nơi lưu giữ kỉ vật và không gian sống của một thời khiến người tới tham quan không nỡ rời bước. Nó là một phần ký ức không thể nào quên về Hà Nội. Mỗi lần tham quan, ngôi nhà cổ cho bạn một cảm xúc hồi tưởng về ký ức xưa. Người Hà Nội với những thú chơi thanh tao, nếp ăn, nếp ở rất đặc trưng, thể hiện nét văn hóa rất riêng của đất Hà thành.
 
NGUYỆT THU