Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm

05:10, 22/10/2018

(LĐ online) - Sau sự cố xảy ra chiều 22/9/2018 khiến một du khách người Hàn Quốc tử nạn khi đang tham gia tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác tại Khu du lịch thác Đatanla, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn.

(LĐ online) - Sau sự cố xảy ra chiều 22/9/2018 khiến một du khách người Hàn Quốc tử nạn khi đang tham gia tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác tại Khu du lịch thác Đatanla, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn.
 
Thác Đatanla - điểm đến thu hút du khách
Thác Đatanla - điểm đến thu hút du khách
Cụ thể, ngày 26/9/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 1011 chỉ đạo Công ty CP Du lịch Lâm Đồng triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi tham gia chương trình du lịch thể thao mạo hiểm tại Khu du lịch thác Đatanla. Liền sau đó 02 ngày (28/9/2018), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành văn bản số 1023 đề nghị các đơn vị có liên quan rà soát các chương trình du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Và, ngày 10/10/2018, Sở đã tổ chức đoàn công tác tiến hành kiểm tra, rà soát các hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm tại Khu du lịch thác Đatanla. Qua kiểm tra thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho Công ty CP Du lịch Lâm Đồng và các công ty lữ hành đang khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm tiếp tục triển khai kinh doanh sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Khu du lịch thác Đatanla. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp tục hoạt động kinh doanh là cần thiết, nhưng không vì thế mà xem nhẹ vấn đề an toàn của khách du lịch. Vì vậy, Sở yêu cầu các đơn vị chỉ được khai thác duy nhất một chương trình tour đầy đủ từ thác 3 đến thác 7 cho du khách nhằm nâng cao giá trị và chất lượng tour. Tại khu vực nhảy tự do, chỉ được khai thác vách nhảy 5 - 7 mét, không được khai thác vách nhảy 11 mét nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Mỗi công ty khai thác tại Khu du lịch thác Đatanla chỉ được phục vụ tối đa là 15 khách/ một ngày, phục vụ tối đa 15 khách/ mỗi nhóm chơi và tối thiểu phải có 4 hướng dẫn viên phục vụ khách (từ 8 - 15 khách/ nhóm chơi/ tối thiểu có 04 hướng dẫn viên). Nếu chia nhóm nhỏ từ 7 khách trở xuống thì phải có tối thiểu 03 hướng dẫn viên/ nhóm chơi và mỗi nhóm chơi cách nhau 30 phút.
 
Trò chơi đu dây vượt thác hút du khách quốc tế
Trò chơi đu dây vượt thác hút du khách quốc tế
Đồng thời, phải bố trí bảo vệ trực quan sát, giám sát quá trình khách chơi tại các khu vực thác diễn ra trò chơi để kịp thời hỗ trợ và báo cáo về ban điều hành; bố trí nhân viên y tế trực từ 08g00 - 17g00 hàng ngày tại khu du lịch nhằm hỗ trợ kịp thời cho khách du lịch; bố trí trạm sơ cấp cứu tại thác 3 và trang bị đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ công tác sơ cấp cứu. Mặt khác, trong quá trình tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm phải kiểm tra sức khỏe cho du khách; tập huấn, tư vấn kỹ các quy định về đảm bảo an toàn; hướng dẫn cho khách thực hiện thuần thục các thao tác kỹ thuật trước khi cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Ngoài ra, phải xây dựng kế hoạch định kỳ tập huấn để nâng cao kỹ năng cho tất cả hướng dẫn viên của đơn vị về quy trình sơ cấp cứu, công tác cứu hộ, cứu nạn; và chỉ được sử dụng hướng dẫn viên đã được đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm.
 
Có thể nói, sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất kịp thời, nhằm chấn chỉnh hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn, hướng đến đảm bảo an toàn tối đa cho du khách. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, nghĩa là đã có quy định thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm phải tuyệt đối tuân thủ. Vì thực tế trước đây, vào ngày 26/02/2016, một đơn vị tổ chức trò chơi đu dây vượt thác tại Khu du lịch thác Đatanla khiến 03 du khách người Anh tử nạn. Và không chỉ xảy ra ở thác Đatanla, ngày 23/02/2017, một đơn vị khác cũng tổ chức trò chơi đu dây vượt thác tại thác Hang Cọp khiến du khách người Ban Lan thiệt mạng… Lúc bấy giờ, ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng ráo riết vào cuộc, chấn chỉnh hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn. Nhưng rồi sự việc đáng tiếc lại tiếp diễn, khiến một du khách người Hàn Quốc thiệt mạng vào 22/9/2018 tại Khu du lịch thác Đatanla.
 
Những năm gần đây, loại hình du lịch mạo hiểm đã và đang trở thành sản phẩm đặc thù của tỉnh Lâm Đồng, thu hút đông đảo du khách tham gia, nhất là du khách quốc tế. Thực tế, những ai từng trải nghiệm các tour du lịch mạo hiểm, tham gia các trò chơi thể thao mạo hiểm do các đơn vị được cấp phép hoạt động loại hình du lịch mạo hiểm tổ chức đều cảm thấy rất an toàn, chưa đến mức mạo hiểm, nhất là mạo hiểm tính mạng. Tuy nhiên, đấy là cảm nhận khi đã tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm. Còn nếu lơ là, kể cả người chơi cũng như nhà tổ chức, thì rủi ro bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, nhất thiết phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khá “nhạy cảm” này.
 
Tứ Kiên