Làng bánh ngũ sắc rộn rã vào Tết

HƯƠNG LY 06:40, 12/01/2023

Để có thể đáp ứng số lượng lớn bánh ngũ sắc (hay còn gọi là bánh in, bánh cộ) bán trong những ngày giáp Tết, ngay từ đầu tháng 9 âm lịch những cơ sở sản xuất bánh in ở làng Kim Long (TP Huế), nơi được xem là cái nôi của loại bánh cung đình độc đáo này đã bắt đầu “đỏ lửa”.

Thợ làm bánh ngũ sắc bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm mới kết thúc
Thợ làm bánh ngũ sắc bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm mới kết thúc

Bà Nguyễn Thị Kim Long (phường Kim Long, TP Huế) có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, chia sẻ, từ rất lâu về trước, cứ mỗi độ Tết đến, thì miếng bánh in nhỏ xinh, thơm nức và rực rỡ nhiều màu sắc là thức quà mà đối với những đứa trẻ như bà Long lúc ấy luôn trông chờ và mê mẩn mãi không thôi. Bà Long kể: “Bánh in đã có từ thời nhà Nguyễn. Tương truyền, cách đây mấy trăm năm, cũng vào dịp xuân về, khi vua Triều Nguyễn đang thưởng trà thì chợt cảm thấy thiếu thiếu vị gì đó. Đương lúc có các bô lão làng Kim Long đứng bên hầu, vua liền lệnh cho các ngài ấy về phải làm được thứ gì đó để uống kèm với trà. Vậy là món bánh in “tiến vua” đơn giản được làm từ bột đậu xanh và đường được ra đời từ ngày đấy”.

Ngày nay, bánh in được cải tiến với nhiều mẫu mã đa dạng hơn để phục vụ cho việc thờ, cúng và đãi khách trong dịp Tết cổ truyền. Bánh được bọc và gói trong những lớp giấy bóng năm màu (cam, xanh, đỏ, hồng, vàng) đẹp mắt với đa dạng chủng loại như: bánh in bột đậu xanh, bánh in bột huỳnh tinh, bánh in bột nếp, bánh in bột đậu ván, bánh in bột đậu quyên, bánh in hạt sen trần… Nhưng được ưa chuộng và phổ biến nhất vẫn là loại bánh “anh cả” được ra đời đầu tiên - bánh in bột đậu xanh chữ Thọ. 

Bà Lê Thị Hà (phường Kim Long, TP Huế) xếp bánh theo kiểu tháp mới nhất
Bà Lê Thị Hà (phường Kim Long, TP Huế) xếp bánh theo kiểu tháp mới nhất

Tuy đỏ lửa từ những ngày đầu tháng 9 âm lịch, nhưng phải đến những ngày tháng Chạp, không khí rộn ràng, rôm rả ở phường Kim Long mới thật sự lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu đặt bánh tăng gấp trăm lần so với ngày bình thường. 

“Mỗi ngày, cơ sở sản xuất trên 5.000 chiếc bánh in và luôn trong tình trạng hết hàng. Giá thành loại bánh này khả rẻ, chỉ từ 500 - 1.000 đồng/cái. Bên cạnh những mẫu mã thường ngày, những tháp bánh in cao, nhiều tầng đặc biệt được ưa chuộng. Tùy theo kích cỡ, tháp nhỏ có giá khoảng 40.000 đồng, tháp lớn hơn có giá tăng dần từ 100.000 - 200.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Kim Long hồ hởi nói.

Những mẫu tháp bánh ngũ sắc rất được du khách ưa chuộng
Những mẫu tháp bánh ngũ sắc rất được du khách ưa chuộng

Tại cơ sở sản xuất bánh ngũ sắc của bà Lê Thị Hà (phường Kim Long, TP Huế) cũng nhộn nhịp không kém. Bà Hà phấn khởi nói: “Để làm ra được những chiếc bánh in đẹp, đầy màu sắc, đòi hỏi người thợ làm bánh phải trải qua 10 công đoạn vô cùng công phu và tỉ mỉ. Từ việc chọn lọc những hạt đậu xanh chất lượng nhất, rang đậu rồi xay nhuyễn, trộn bột đậu với đường, nhào bột, cán bột lại cho đều và tơi, in bánh, sấy khô, đóng gói”. Trung bình mỗi ngày, bà gói được 100 tháp bánh lớn và 200 tháp bánh nhỏ, làm không kịp bán. Sản phẩm hoàn thành sẽ được đem đi bán rộng rãi trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận khác, như: chợ Đông Ba, Quảng Trị, Quảng Bình…

Theo người dân địa phương, nghề làm bánh in vất vả, bán với giá thấp, thị trường cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt nên số cơ sở sản xuất bánh in giảm dần theo từng năm. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn khoảng hơn 10 cơ sở còn hoạt động. Mặc dù vậy, với tinh thần giữ lửa, giữ nghề truyền thống để món bánh đặc sản quê hương không bị lãng quên; rất nhiều những người bà, người mẹ đã tích cực chỉ dạy nghề làm bánh in lại cho con cháu mình và luôn nỗ lực duy trì, lưu giữ cái không khí nhộn nhịp, tất bật những ngày giáp Tết. Chính là lưu giữ những thanh âm giã bánh vui tai, mùi thơm thoang thoảng và vị ngọt bùi bùi của đậu xanh… để rồi khiến cho du khách gần xa phải lưu luyến cái nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miền đất Cố đô mộng mơ ấy…