Cô gái đam mê may trang phục thổ cẩm

03:12, 05/12/2022
Yêu thích may vá từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Truyền ở Thôn 5B (xã Đinh Trang Hoà, huyện Di Linh) đã tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm vừa mang nét hiện đại nhưng vẫn giữ được chất truyền thống. 
 
Chị Truyền góp phần gìn giữ nét văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số thông qua những bộ trang phục
Chị Truyền góp phần gìn giữ nét văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số thông qua những bộ trang phục
 
Mặc dù là người Kinh nhưng do được sinh ra và lớn lên tại nơi có đông đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống, chị Truyền đã thích thú tìm hiểu văn hoá bản địa, đặc biệt là trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện hoá tình yêu của mình, chị đã mở một tiệm may trang phục thổ cẩm tại gia, vừa góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
 
Ngắm nghía bộ trang phục vừa được chị Truyền may, một khách hàng tỏ ra khá hài lòng. Các mũi khâu tinh tế, kỹ lưỡng cùng với bộ đồ vừa vặn cho thấy sự chỉn chu của chị Truyền đối với trang phục thổ cẩm truyền thống người K’Ho. Chị Truyền tâm sự, ngay từ nhỏ, chị đã thích thú với việc sáng tạo những bộ trang phục, chị học hỏi, tích lũy kinh nghiệm may vá từ mũi may của bà, của mẹ, chị thường may đủ loại trang phục cho búp bê của mình. 
 
Để theo đuổi ước mơ, vào năm 2008, cô gái với độ tuổi mười tám đã quyết định theo đuổi đam mê nên đăng ký lớp học nghề may. Các đây hơn 10 năm, ở trong xã rất ít người may áo quần, tiệm may của chị được người dân trong xã đến sửa và may quần áo mới rất đông. Không chỉ may quần áo đơn thuần mặc hằng ngày, chị Truyền còn may những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn xã. Chị Truyền cho hay: “May trang phục truyền thống của đồng bào phải mất nhiều công đoạn hơn so với may quần áo thông thường, lúc đầu, mình may đơn thuần theo kiểu truyền thống của người đồng bào, sau thời gian mình thử cách tân, cách điệu, sản phẩm của mình và được mọi người đón nhận”. 
 
Chị nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên may đồ thổ cẩm cách tân cho chị khách mặc đi đám cưới, mọi người khi ấy trầm trồ và hỏi địa chỉ may, sau đó hơn 10 chị em tới đặt may cùng một lúc. “Hai tuần liền, mình phải làm từ sáng đến tối mới kịp trả đồ cho khách, làm việc khi ấy mệt lắm nhưng cảm thấy rất vui vì áo quần mình may được chị em yêu thích. Đấy cũng là bước ngoặt để mình xác định con đường đam mê. Mình tự hào vì góp một chút công sức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”, chị Truyền chia sẻ. 
 
Cũng theo chị Truyền, hiện nay, đồ dệt thổ cẩm nguyên bản rất hiếm và có giá bán cao hơn so với vải dệt công nghiệp nên ít người lựa chọn, chỉ một số ít may mặc trong các buổi lễ quan trọng của đồng bào. Các sản phẩm này phải may theo đúng nguyên bản truyền thống là váy phải dài xuống tận gót chân, cổ áo tròn, kín đáo..., một bộ trang phục hoàn chỉnh được dệt thủ công, giá từ 2 triệu đồng trở lên. Nên để mặc hằng ngày, chị em thường lựa chọn vải dệt công nghiệp, nhiều hoa văn đẹp, vải cũng mềm mại hơn, giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/bộ. Ngoài ra, khi có kinh nghiệm và cứng tay nghề hơn, chị mở rộng sang may các loại trang phục dạ hội, cưới hỏi, khăn choàng, túi thổ cẩm... trên nền hoa văn của đồng bào. Trang phục dạ hội hiện có mức giá từ 800.000 đồng/bộ tùy từng kiểu mẫu và công sức người thợ bỏ ra.
 
Theo chị, trang phục dù dệt thủ công hay dệt công nghiệp đều mang một nét văn hóa riêng của dân tộc. Đối với chị, uy tín và chất lượng sản phẩm vẫn là trên hết. Sau khi may được những bộ đồ đẹp, chị thường cho khách mặc thử và “khoe” lên mạng xã hội facebook, zalo, từ đó nhiều người biết, yêu thích và đặt chị may ngày càng nhiều. Cứ thế, gian phòng nhỏ để may vá dù không biển hiệu nhưng nhiều chị em quá quen thuộc với địa chỉ này. 
 
Điều làm chị cảm thấy vui và hạnh phúc là khi thấy niềm vui của các bà, các chị em khi diện bộ trang phục mang nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Nói về dự định tương lai, chị khẳng định: “Mình vẫn đang trên con đường cố gắng trau dồi kỹ năng, sáng tạo ra những bộ đồ đẹp để phục vụ chị em. Với mình, đây là cái duyên với nghề và sẽ không dễ dàng từ bỏ sự yêu thích này”. 
 
Chị Ka Sôi - Bí thư Đoàn xã Đinh Trang Hoà cho biết, ngoài buôn bán và hoạt động công tác xã hội tại địa phương, chị Truyền dành hết tình yêu cho việc may trang phục thổ cẩm. Khách hàng của chị Truyền ngoài bà con đồng bào ở trong xã, còn đến từ các xã khác trên địa bàn huyện. Chị Truyền là một người khá đặc biệt, tuy là người Kinh nhưng chị nói được tiếng đồng bào rất giỏi, hiểu và yêu văn hoá bản địa. Ngoài ra, chị là thành viên hoạt động năng nổ của Câu lạc bộ Tri thức trẻ xã Đinh Trang Hoà. Ở đây, mọi người thường nói đùa là Truyền không phải người Kinh mà là đã trở thành con em đồng bào rồi, điều đó tạo nên những niềm vui cho chị vì đã truyền cảm hứng và góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
 
HOÀNG YÊN