Để không còn lời ru buồn ở một trường học

03:11, 24/11/2022
(LĐ online) - Di Linh, vùng đất nổi tiếng với cây cà phê cũng là nơi cư trú truyền thống của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số K’Ho. Cùng với nhiều truyền thống đẹp, có không ít khó khăn do truyền thống để lại mà Di Linh đang thực hiện xóa bỏ. Trong đó, có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Các học sinh của Trường PT DTNT THCS Di Linh
Các học sinh của Trường PT DTNT THCS Di Linh
 
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương Di Linh như các xã Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Tân Lâm, Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Hòa. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, làm mất đi cơ hội học tập, gia tăng sự nghèo đói. 
 
Chính bởi vậy, Lâm Đồng đã và đang triển khai thực hiện mô hình điểm thuộc Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh, ngôi trường có đa số học sinh người dân tộc thiểu số.
 
Dự án đã được triển khai tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh trong vài năm trở lại đây. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh là một ngôi trường dạy và chăm sóc hàng trăm em học sinh lứa tuổi THCS đến từ các dân tộc thiểu số trong huyện, trong đó chiếm đa số là người K’Ho. 
 
Học sinh của Trường PTDTNT Di Linh tham quan doanh trại bộ đội
Học sinh của Trường PTDTNT Di Linh tham quan doanh trại bộ đội
 
Nhà trường xác định mục tiêu từ những ngày đầu tiên là tạo môi trường tốt nhất để giáo dục, đào tạo các em thành những công dân tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cả cộng đồng. 
 
Hàng năm, Ban giám hiệu cùng tất cả giáo viên nhà trường  đã tiến hành tuyên truyền ngoại khóa, phổ biến chuyên đề giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số để học sinh hiểu rõ và nắm được những nguy cơ, thách thức và hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính các em học sinh, cộng đồng và người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. 
 
Những bài giảng sinh động, những buổi học ngoại khóa vui tươi, gần gũi, dễ hiểu với lứa tuổi các em được nhà trường tổ chức hàng tuần. Các em được học Luật Hôn nhân gia đình, được học và hiểu quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ, trách nhiệm xây dựng gia đình, cách từ chối khi bị ép tảo hôn và hôn nhân cận huyết…  
 
 
Sau 2 năm việc học trực tiếp bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19, năm học 2022 - 2023, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh tiếp tục được đến trường, cùng học tập, sinh hoạt trong môi trường tập thể sôi động. Và các em tiếp tục được đội ngũ giáo viên nhà trường tuyên truyền, dạy dỗ về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 
 
Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do ngành giáo dục hay các đơn vị, cơ quan khác tổ chức cũng thu hút các em, tạo cho các em một môi trường sinh hoạt lành mạnh. Nhà trường xác định, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những hoạt động quan trọng trong gíao dục, được đưa thành kỹ năng sống, giáo dục các em một cách thường xuyên, liên tục.
 
Có thể nói, việc triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số đã tạo được hiệu quả tích cực, góp phần hình thành ý thức độc lập, tự chủ, hiểu biết nơi các em học sinh. Bản thân các em sẽ có kiến thức, kỹ năng để từ chối tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời vận động người thân, bạn bè thực hiện hôn nhân đúng Luật.
 
 
Theo kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh năm 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ duy trì và xây dựng 12 mô hình điểm, tuyên truyền thường xuyên tại 10 xã và 2 trường tiểu học tại 12 huyện, thành phố của tỉnh.
 
Cụ thể, 4 mô hình được tiếp tục duy trì tại xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) và xã Liêng Sronh (huyện Đam Rông) cùng các Trường Phổ thông Trung học dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, Trường Phổ thông Trung học cơ sở và Phổ thông Trung học huyện Di Linh. 
 
5 mô hình được nhân rộng gồm mô hình tại các xã: Đa Nhim (Lạc Dương), Pró (Đơn Dương), Bảo Thuận (Di Linh), Phước Lộc (Đạ Huoai) và Quốc Oai (Đạ Tẻh).
 
Thực hiện kế hoạch này, tỉnh Lâm Đồng sẽ in sao phim phóng sự “Nỗi buồn nơi buôn, làng” với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng K' Ho để cấp phát cho 479 thôn có trên 1/3 số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; tái bản 30.000 tờ rơi và 600 sổ tay tuyên truyền cấp phát cho nhân dân và cán bộ làm công tác tuyên truyền…
 
 
DIỆP QUỲNH