Đơn Dương: Những chuyển biến tích cực trong bình đẳng giới

05:06, 24/06/2020

Khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong nhiều lĩnh vực đời sống đã dần được thu hẹp tại huyện nông thôn mới Đơn Dương.

Khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong nhiều lĩnh vực đời sống đã dần được thu hẹp tại huyện nông thôn mới Đơn Dương.
 
Nhờ được quan tâm kịp thời, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng bình đẳng, mạnh dạn làm kinh tế giúp mang lại thu nhập cao cho gia đình
Nhờ được quan tâm kịp thời, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng bình đẳng, mạnh dạn làm kinh tế giúp mang lại thu nhập cao cho gia đình
 
Để phụ nữ vươn lên 
 
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương nhận xét, công tác bình đẳng giới (BĐG) của huyện Đơn Dương thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc xây dựng chương trình từng bước được cụ thể hóa, được triển khai từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn. “Khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội đã dần được xóa bỏ tại huyện” - bà Thanh nói.
 
Theo bà Thanh, việc triển khai, thực hiện tốt mục tiêu BĐG và chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ được xem là giải pháp tích cực nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò của phụ nữ, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, thời gian qua, các mục tiêu BĐG được các cấp chính quyền Đơn Dương lồng ghép và thực hiện hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhờ đó đã mang lại những kết quả đáng kể; nam giới và phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định. 
 
Một trong những đối tượng được sự quan tâm rất lớn của các cấp Hội Phụ nữ thời gian qua chính là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, chiếm đến 1/3 dân số, nhận thức còn hạn chế khiến tình trạng sinh con thứ 3 khá cao, bạo lực gia đình có xu hướng tăng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Hội đặc biệt quan tâm đến các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng ở cơ sở, các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền đối với bà con về Luật Hôn nhân, gia đình, vận động sinh ít con để chăm sóc nuôi con cho tốt, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chịu khó làm ăn phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
 
Cùng đó, Huyện hội cũng phối hợp với các ban, ngành liên quan để vận động các nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Thông qua các nguồn vốn vay hỗ trợ, nhiều phụ nữ nghèo đã có cơ hội vươn lên, mạnh dạn làm ăn, cải thiện thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Các lớp tập huấn, đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật dành cho hội viên phụ nữ được địa phương tổ chức thường xuyên tại các xã, thị trấn được đông đảo chị em tham gia. Rất nhiều học viên sau khi tham gia các lớp trên đã tiếp cận được việc làm ổn định, thoát được nghèo. 
 
Theo thống kê của địa phương, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện trong đó có phụ nữ đến nay đã đạt trên 39%.
 
Trong gia đình, việc xóa bỏ bạo lực gia đình cũng luôn được huyện quan tâm. Nhiều chương trình được tổ chức cho phụ nữ tham gia, như lớp dạy kỹ năng nuôi con cho các bà mẹ, các đợt tuyên truyền hướng dẫn chính sách thai sản đối với phụ nữ nghèo, giới thiệu Luật Hôn nhân và gia đình, chính sách bảo vệ trẻ em. Huyện hiện có một đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân, gia đình đang hoạt động rất tốt ở cấp cơ sở, qua đó, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn đã giảm đáng kể. 
 
Bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực
 
Một thống kê của huyện cho biết, số lượng nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Đơn Dương tăng so với nhiệm kỳ trước; số lượng cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện tới cơ sở chiếm khoảng 37%, nữ lãnh đạo chiếm khoảng 22%. Ở cấp xã, cán bộ chuyên trách là nữ chiếm khoảng 29% trong tổng số cán bộ chuyên trách. 
 
Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm BĐG trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng được địa phương chú trọng với các chỉ tiêu như xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi 40 và cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn ngành giáo dục huyện từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông có khoảng 1.865 cán bộ, giáo viên; trong đó, giáo viên, công nhân viên nữ chiếm đến 58,77% với 1.096 người. Số lượng nữ là cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tương đương số lượng và tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên nam. 
 
Hội LHPN huyện lâu nay cũng đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp lồng ghép, tổ chức các chuyên đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, mở lớp tập huấn làm mẹ an toàn, các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe gia đình,… giúp nâng cao tình trạng sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Công tác chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh được thực hiện tại hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. 
 
Thời gian qua, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh truyền thông về BĐG, tăng cường cả về chất lượng, số lượng và hình thức vận động, tuyên truyền, góp phần không nhỏ trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, toàn xã hội, các gia đình về BĐG. 
 
Tuy nhiên, theo bà Thanh nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những vấn đề cần giải quyết để công tác BĐG được thực hiện tốt hơn tại địa phương. Đó là việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chưa rõ nét; sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, chính quyền về công tác BĐG chưa kịp thời nên các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em chưa được thực hiện triệt để ở các cấp, ngành; các hoạt động chuyên môn của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể.
 
Do vậy, huyện Đơn Dương cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường thêm biên chế thực hiện công tác BĐG từ huyện đến cơ sở; hỗ trợ địa phương kinh phí, kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền hiệu quả hơn về BĐG. Qua đó, góp phần xóa bỏ những khoảng cách, định kiến không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong mối quan hệ gia đình, xã hội.
 
NHẬT QUỲNH