Các mô hình tập hợp thu hút phụ nữ tôn giáo

05:06, 25/06/2020

Hiện nay, toàn tỉnh có 13.634 hội viên nòng cốt theo các tôn giáo, đây là lực lượng tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội Phụ nữ triển khai đến hội viên...

Hiện nay, toàn tỉnh có 13.634 hội viên nòng cốt theo các tôn giáo, đây là lực lượng tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội Phụ nữ (HPN) triển khai đến hội viên. Cùng với việc thực hiện các phong trào thi đua, trong vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình tập hợp thu hút hội viên thiết thực.
 
Liên hoan cắm hoa nghệ thuật trong nữ tu Công giáo do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Liên hoan cắm hoa nghệ thuật trong nữ tu Công giáo do Hội LHPN tỉnh tổ chức
 
Theo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ Lâm Đồng), hiện nay Lâm Đồng có 6 tôn giáo được Nhà nước công nhận và đang hoạt động, với khoảng 796.000 tín đồ (khoảng 65% dân số toàn tỉnh), 1.600 chức sắc, 2.000 nam nữ tu sĩ, 3.700 chức việc, 436 cơ sở thờ tự hợp pháp. Ngoài ra, còn có một số tổ chức, hệ phái chưa được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân nhưng đã được đăng ký sinh hoạt. Hàng trăm cơ sở tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công với đất nước, trong đó, tín đồ là nữ chiếm số lượng lớn so với nam giới.
 
Qua rà soát thống kê, trên địa bàn tỉnh có 25 hình thức hoạt động với tổng số gần 500 hội đoàn đang sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo. Trong đó, Công giáo khoảng hơn 300 hội đoàn, Tin lành gần 100 hội đoàn, Phật giáo khoảng 40 hội đoàn, Cao đài 5 hội đoàn, với tổng số hơn 50.000 hội viên. Các hội đoàn tại các cơ sở tôn giáo tập hợp hội viên theo giới tính như: Phụ nữ, thanh niên thu hút rất đông tín đồ tham gia hoạt động thường xuyên. Ngoài việc phục vụ các nghi lễ tôn giáo, hoạt động của hội đoàn còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự địa phương... Trong đó, hoạt động của các hội đoàn tập hợp tín đồ là nữ có xu hướng nổi bật hơn, thu hút sự tham gia đều đặn, tích cực của hội viên. 
 
Để góp phần đưa hoạt động của các hội đoàn tôn giáo phát triển, giúp hội viên có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ban Tôn giáo đề xuất, kiến nghị các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chương trình phối hợp với ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trong vận động, định hướng đoàn viên, hội viên chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động tôn giáo. Kiến nghị Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ đoàn viên, hội viên là người có đạo phát triển kinh tế gia đình, nhất là hỗ trợ việc giáo dục, đào tạo nghề cho thanh niên hoặc hỗ trợ cho hội viên nữ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ cốt cán là đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt các hội đoàn trong việc phản ánh hoặc tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tôn giáo. Các cấp HPN cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, tiếp xúc gặp gỡ, trao đổi, tạo mối quan hệ gần gũi, hiểu biết, thân thiện với hội viên nữ là đồng bào có đạo, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó xóa bỏ mọi khoảng cách và thu hút phụ nữ công giáo tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Đồng thời, có phương pháp lồng ghép để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, nhất là bảo vệ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.
 
Theo HPN Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 164.189 hội viên, tỉ lệ tập hợp thu hút hội viên đạt 77%, trong đó có hơn 76 ngàn hội viên phụ nữ theo các tôn giáo, chiếm 46,7% so với tổng số hội viên đang sinh hoạt trong các chi, tổ hội; có 13.634 hội viên nòng cốt theo các tôn giáo. HPN các cấp đã chỉ đạo cơ sở hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình phù hợp tập hợp thu hút hội viên phụ nữ tôn giáo. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS, tôn giáo xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương như: mô hình tập hợp thu hút hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghề truyền thống...
 
Hàng năm, HPN từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục hội viên phụ nữ tôn giáo tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho trên 73% hội viên phụ nữ tôn giáo; tuyên truyền nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật cho trên 78.000 lượt hội viên phụ nữ tôn giáo, DTTS. Thực hiện chăm lo lợi ích đối với phụ nữ, trẻ em DTTS, tôn giáo, Hội đã khảo sát các bà mẹ có con dưới 16 tuổi, trong đó có 42.000 phụ nữ DTTS các tôn giáo, tuyên truyền và triển khai các mô hình giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng, nước sạch vệ sinh môi trường, đã huy động hơn 1.000 ngày công phụ nữ tham gia vệ sinh môi trường. HPN các cấp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hơn 10.000 lượt hội viên phụ nữ tôn giáo. Đồng thời, chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Mở lớp dạy nghề may công nghiệp, thêu, đan len, mây tre đan, dệt thổ cẩm, nuôi tằm...
 
Một số mô hình ở địa phương có hội viên phụ nữ tham gia hội đoàn tôn giáo như: CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo; Ban Tu nữ; mô hình “Nữ phật tử”; các Hội Hiền mẫu, Hội Các bà mẹ, Ca đoàn các mẹ, Ban phụ nữ giúp việc, Ca đoàn, Ban đọc sách, Ban giúp lễ, Ban thừa tác viên, Giáo lý viên, Hội giới trẻ, Gia đình trẻ, Gia đình tận hiến; mô hình vận động không có người thân theo đạo trái phép; Tổ phụ nữ tôn giáo không phá rừng làm rẫy; Hũ gạo tình thương; Tổ hợp tác trồng atiso; CLB kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, CLB 4 không, CLB Phụ nữ nuôi dạy con tốt; Chi hội phụ nữ kiểu mẫu; Chi hội phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; Con đường không rác; Tổ phụ nữ không thách cưới; mô hình hỗ trợ giúp nhau xây nhà đẹp; mô hình “Mẹ nói dạy tiếng Việt cho con”; Tổ phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Phụ nữ tham gia các hội đoàn tổ chức nhiều hoạt động như: thi cắm hoa, nấu ăn, văn nghệ; công tác từ thiện, nhân đạo...
 
HPN tỉnh tiếp tục thường xuyên củng cố hội viên nòng cốt, cán bộ cốt cán; tranh thủ phát huy vai trò của ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN các cấp là chức sắc tôn giáo tiêu biểu có uy tín để tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo tham gia các hoạt động Hội, phong trào phụ nữ và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
AN NHIÊN