Đà Lạt năm 1908 (tiếp theo)

04:03, 05/03/2014

Sau chuyến đi gian khổ hôm qua, đường hôm nay không gặp khó khăn nào! Con ngựa vẫn còn đi khập khễnh nhưng bước đi không tệ. Trở ngại duy nhất là ngựa vẫn không có gì để ăn. 

Đa Nhim, 30 tháng 3
 
[links(right)]Sau chuyến đi gian khổ hôm qua, đường hôm nay không gặp khó khăn nào! Con ngựa vẫn còn đi khập khễnh nhưng bước đi không tệ. Trở ngại duy nhất là ngựa vẫn không có gì để ăn. 
 
Ngay sau khi rời khỏi Đà Lạt, lần này, đường mòn rõ nét hơn, bắt đầu xuống một sườn đồi dài quanh co giữa những đồi thông, có những khoảnh rất đẹp gợi nhớ đến những khu rừng ở Pháp. Sau khi xuống dốc khoảng 10km, chúng tôi đến thung lũng Pren mà chúng tôi đã đến hôm qua nhưng còn ở trên cao. Vài mảnh ruộng gợi nhớ về miền trung du Bắc Kỳ, hình như ruộng đất phải để nghỉ trồng từ 10 đến 15 năm sau thời gian trồng 2 hay 3 năm.
 
Thung lũng Suối Vàng - Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn
Thung lũng Suối Vàng - Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn
 
Những bụi cây và rừng cháy trải dài hàng cây số đến tận Phi Nôm (Phim-Nom), một trạm gác bỏ hoang, điêu tàn, vắng bóng người. Dĩ nhiên, rất hiếm du khách đi trên con đường này. Suốt cả ngày chúng tôi chỉ gặp mười người dân bản địa, một nhóm hai người và một nhóm bốn người đi ngang qua khi chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi. Mọi người đều ở trần, lưng đeo gùi, tay mang giáo mác, cung tên, xà gạc. Họ không đeo vòng đồng ở cổ tay và cổ chân như người dân tộc thiểu số ở Nha Trang nhưng đeo vòng cổ bằng thủy tinh.
 
Trong bốn người dừng chân dưới lùm cây lớn, tình cờ chúng tôi gặp một người biết nói một số ít tiếng Kinh. Chúng tôi trò chuyện và đề nghị thi bắn cung vào chiếc lá trên cành cây cắm xuống đất. Họ có những chiếc cung nhỏ thông thường - hình như vũ khí của họ mạnh hơn - và họ bắn rất chính xác. Sau khi bắn xong, người dân tộc thiểu số trao cung cho một người phục vụ của tôi bắn thử nhưng đều không trúng đích. Những người khác không dám thử vì sợ gặp điều rủi hay bùa ếm. Tôi đưa một đồng bạc mới, cả tám người dân tộc thiểu số đều cười mặc dầu chúng tôi đều không hiểu nhau.
 
Giai đoạn kế tiếp là con đường gần như bằng phẳng với những khu rừng thông rất đẹp và những cây rừng khác, những cánh đồng trơ trụi gợi nhớ đến những cánh đồng cỏ ở Bắc Mỹ có rất nhiều đàn nai và bò rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy những con nai và thường thấy những con trâu. Động vật hoang dã vẫn còn nguyên trên vùng này, trong khi ở Nam Kỳ đã giảm dần vì có nhiều thợ săn. Nhiều người nói động vật hoang dã ăn cỏ ngăn cản việc trồng trọt, người dân tộc bản địa có dùng thuốc độc trên những cánh đồng nhưng không làm được gì. Chắc chắn số lượng động vật nhìn thấy khắp nơi là rất nhiều. Từng lúc người ta có cảm tưởng như đang ở giữa những cánh đồng cỏ ở Aubrac vào mùa hè, nhưng cỏ nơi đây rất khác xa cỏ trên đồi núi ở miền Trung nước Pháp.
 
Chúng tôi phải đi giữa hai dòng sông vì vùng chúng tôi đi qua chiều nay tạo ra một loại cao nguyên. Tôi không có bản đồ và tôi không tin đã có bản đồ vùng này.
 
Cuối cùng, chúng tôi đi xuống sông Đa Nhim, sườn dốc rất xuôi. Nhưng muốn qua bên kia sông phải dùng đò, ở đây không có một chiếc đò nào và không một bóng người. Trạm ở phía bên kia sông nằm dưới tán cây với mái tranh nhìn rõ từ bên này sông. Tôi gọi đò nhưng vô ích. Tôi và người phục vụ cởi trần bơi qua sông, đàn ngựa bơi theo sau. Đến bờ bên kia, chúng tôi gặp một chiếc bè kết bằng tre. Vài phút sau, chúng tôi đến trạm, gặp vài người dân địa phương. Tại đây những con ngựa vẫn còn gặp khó khăn, không có gì để ăn, không thóc ngô, không có gì cả, rất ít cỏ, một ít lá tre khô và cứng. Tình hình rất đáng lo ngại. Động vật hoang dã sống được vì chúng có cả ngày để ăn, còn tôi thì phải lên đường…
 
(còn nữa)