Sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao

05:06, 25/06/2020

Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Ngày 11/11/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Ngày 11/11/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
 
Chỉ tính từ năm 2013-2019, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đang phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng nhanh và ổn định… Trong tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, khẳng định thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao, phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. 
 
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của ngành kinh tế nông nghiệp, Lâm Đồng sẽ chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, sẽ triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Điều tra, khảo sát để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, quy trình kỹ thuật nhằm thực hiện các mô hình canh tác theo hướng thâm canh bền vững. Hướng dẫn sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Bố trí lại các vùng sản xuất, nhất là đối với diện tích sử dụng nhà lưới, nhà kính để khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp đến môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiến hành đồng bộ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Duy trì và tiếp tục nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng; ngăn chặn hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất rừng và chặt phá rừng; tập trung bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Thực hiện có hiệu quả công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập và đời sống người làm lâm nghiệp; gắn phát triển rừng với nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học; duy trì và phát triển các dịch vụ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên; duy trì tính ổn định của hệ thống khu rừng đặc dụng. Đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng; hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu ổn định; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp... 
 
Bên cạnh đó, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế địa phương huy động đa dạng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Tham mưu, đề xuất cấp quyết định chủ trương đầu tư với các dự án vốn ngoài ngân sách theo quy định; tham mưu cấp có thẩm quyền không xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên bảo vệ. Tổ chức triển khai lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định. Ưu tiên cân đối nguồn lực đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng kết nối nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa... Trên lĩnh vực tài lực, tỉnh đặt ra yêu cầu ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản, các dự án phát triển kinh tế vùng trọng điểm.
 
LAN HỒ