Phát huy nội lực của Nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới

04:06, 29/06/2020

Huyện Đức Trọng đã "cán đích" huyện đạt chuẩn nông thôn mới sau 10 năm bắt tay xây dựng...

Huyện Đức Trọng đã “cán đích” huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sau 10 năm bắt tay xây dựng. Ngày 24/6/2020, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 991/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Trọng đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Xoay quanh sự kiện này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng.
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc
PV: Đồng chí có thể khái quát quá trình xây dựng NTM của huyện Đức Trọng sau 10 năm bắt tay xây dựng?
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc: Năm 2009, khi Trung ương chọn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là 1 trong 11 xã điểm của cả nước và là xã đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng thí điểm mô hình NTM, để cụ thể hóa chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 30/9/2011 và Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 24/10/2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn NTM vào năm 2016”; trên cơ sở đó, UBND huyện, các địa phương, các phòng, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy theo từng tháng, quý, năm. 
 
Trong triển khai, chỉ đạo thực hiện chương trình, Huyện ủy luôn xác định và chỉ đạo thực hiện theo phương châm không nóng vội, chạy theo thành tích mà bỏ qua thực chất. Thực hiện có lộ trình, bước đi phù hợp, từ xã có điều kiện tốt làm trước đến xã khó khăn làm sau cùng; tiêu chí nào đã tiệm cận thì tập trung thực hiện trước để hoàn thành sớm, tiêu chí nào khó thì làm sau; phải tiến hành đồng bộ với quyết tâm cao từ huyện đến cơ sở và cộng đồng dân cư. Xác định những nội dung then chốt trong chương trình là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản sau thu hoạch và chế biến; liên kết bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu với các sản phẩm chủ lực của địa phương; nâng cao thu nhập cho nông dân. Song song với nông nghiệp là chương trình huy động các nguồn lực, đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất; tăng cường đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; xác định phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
Huyện ủy Đức Trọng đã chỉ đạo Đảng bộ các xã xây dựng nghị quyết chỉ đạo, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với chính quyền, Ban Quản lý xây dựng NTM các xã hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. 
 
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo huyện và UBND huyện thường xuyên chỉ đạo cơ quan thường trực đôn đốc việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, đề án của các ngành, địa phương căn cứ theo mục tiêu xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn NTM để triển khai thực hiện. Theo lộ trình, huyện Đức Trọng đăng ký xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ - TTg ngày 5/4/2016 thì nhiều tiêu chí theo quy định mới có yêu cầu cao hơn quy định cũ, qua rà soát và đối chiếu thì đến năm 2016 huyện Đức Trọng mới có 12/14 xã đạt chuẩn NTM, còn 2 xã chưa đạt chuẩn là Tà Năng và Đa Quyn, bên cạnh đó vẫn còn một số tiêu chí huyện NTM chưa đạt chuẩn. Vì vậy, Ban chỉ đạo NTM huyện xác định lại lộ trình và đăng ký xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn NTM vào năm 2019.
 
Đến tháng 8 năm 2018, huyện Đức Trọng đã có 14/14 xã (100%) được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM; huyện đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 14/4/2020.
 
Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU của Huyện ủy, dù gặp không ít những khó khăn, nhưng với quyết tâm của hệ thống chính trị, đồng hành đồng thuận của người dân nên đến nay tất cả các xã đều đạt 19/19 tiêu chí xã NTM và huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Diện mạo nông thôn huyện Đức Trọng có nhiều đổi thay đáng kể, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của Nhân dân được nâng cao; truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm Trang trại Phong Thúy tại huyện Đức Trọng. Ảnh: Văn Báu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm Trang trại Phong Thúy tại huyện Đức Trọng. Ảnh: Văn Báu
 
PV: Trong 10 năm đó, để hoàn thành bức tranh NTM đầy sinh động như hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của Nhân dân trên địa bàn, vậy, xin đồng chí có thể nói rõ hơn về những đóng góp của người dân vào quá trình xây dựng NTM của địa phương?
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc: Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, Đức Trọng đã xác định phát huy nội lực của Nhân dân là chính, người dân tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn giúp đỡ và hỗ trợ một phần kinh phí để cùng Nhân dân xây dựng công trình. 
 
Cụ thể, về đóng góp vốn đầu tư: Tổng kinh phí huy động trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 12/2019 trên 5.018 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nội lực của người dân như: Vốn người dân vay tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng công trình, chỉnh trang nhà cửa... trên 3.804 tỷ đồng (chiếm 75,8%), vốn đóng góp của cộng đồng dân cư làm đường sá, điện... trên 188 tỷ đồng (chiếm 3,76%), vốn huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, từ thiện trên 31 tỷ đồng (chiếm 0,63%). Còn lại là ngân sách Nhà nước và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án.
 
Nguồn vốn của Nhân dân đóng góp, nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn vốn khác được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, thực hiện đúng quy chế dân chủ, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo đúng các hạng mục trong Đề án đã được phê duyệt. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do Nhân dân đóng góp thông qua các Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng, đã đảm bảo sự đồng thuận trong Nhân dân, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ở các thôn, xóm trên địa bàn huyện.
 
Ngoài ra, địa phương còn có giải pháp linh hoạt nhằm huy động nguồn vốn trong Nhân dân để thực hiện các công trình như: nếu điều kiện kinh tế của cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn thì căn cứ theo mức tiền đóng góp, xã hoặc thôn tiến hành vận động người dân đóng góp ngày công lao động hoặc hiến đất, sau đó đưa vào hồ sơ ghi thu ghi chi trong quá trình làm đường giao thông, hội trường thôn... qua đó, đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện cũng như tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
 
Quan trọng hơn, ngoài việc đóng góp vốn, người dân đã tham gia quá trình xây dựng NTM, đó là tham gia các phong trào thi đua, các mô hình tham gia xây dựng NTM của Mặt trận và các đoàn thể, qua đó triển khai thực hiện tốt các tiêu chí về an ninh, môi trường, văn hóa. Duy trì hoạt động của 618 tổ an ninh nhân dân, 107 tổ tuần tra nghĩa vụ, 205 tổ hòa giải, 27 đội dân phòng, 125 điểm đăng ký tạm trú, 1 ban bảo vệ dân phố; trên toàn huyện hiện có 127 Câu lạc bộ Văn hóa khu phố không có tội phạm, 9 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, 10 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, mô hình “Giúp nhau lập nghiệp, phòng chống bạo lực gia đình”… tiếp tục được nhân rộng. Đặc biệt, trong năm 2019 đã phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở vận động Nhân dân lắp đặt được 801 mắt camera an ninh trên địa bàn các xã, thị trấn. Người dân tự đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch” và nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng; tham gia trồng cây xanh phân tán, cây xanh đường phố; định kỳ thu gom rác thải, nạo vét kênh mương...
 
Về sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập người dân, trong giai đoạn 2010-2019, Huyện ủy, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh các loại cây trồng và chuyển dịch mạnh sang sản xuất rau hoa, nhằm phát huy tối đa lợi thế về đất đai, thời tiết, khí hậu của địa phương. Đến năm 2019, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 7.195,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 6 - 7%/năm. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện có 9.405,89 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chủ yếu của các hộ dân và 4.049 hộ sản xuất nông nghiệp (kể cả trồng trọt và chăn nuôi) tham gia các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 14,8% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, như chuỗi liên kết bò sữa với Công ty Vinamilk, Dutch Lady; chuỗi liên kết sản xuất rau cung cấp cho hệ thống siêu thị của HTX Tiến Huy, An Phú, Công ty Vineco, Công ty Phong Thúy, Viên Sơn... và các công ty chế biến rau xuất khẩu như Công ty Đà Lạt - Nhật Bản, DJF... góp phần không nhỏ vào việc phát triển nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành chương trình xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM.
 
Một góc Đức Trọng
Một góc Đức Trọng
 
PV: Sau khi “cán đích” huyện đạt chuẩn NTM, Đức Trọng đặt ra mục tiêu gì trong thời gian tới và để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ bây giờ, Đức Trọng phải tập trung thực hiện bằng những việc làm cụ thể nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc: Cũng như các địa phương khác, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Đức Trọng vẫn còn các tồn tại cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý trong thời gian đến. Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Mặc dù đã thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp như đã nêu trên, tuy nhiên mức độ liên kết mới đạt 14,8% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, do đó trong thời gian đến cần tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân để nâng cao tỷ lệ liên kết; phấn đấu đạt trên 27%. Trong đó, tập trung các giải pháp như hỗ trợ người dân trong sản xuất rau, hoa công nghệ cao đều áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững theo hướng VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến; Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu được quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thành và công nhận vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Hội, vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Hiệp An. Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo, tái canh cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống được xác nhận có năng suất chất lượng cao; tiếp tục vận động thực hiện chuyển diện tích đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (như: rau, hoa, dâu tằm, các loại củ, chuối Laba, chanh dây). Xúc tiến thị trường cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng tiện lợi… 
 
Mặt khác, tiếp tục công tác chỉnh trang, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể: Công tác chỉnh trang tại các xã cần tiếp tục thực hiện như đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, các trục đường xã, thôn tiếp tục trồng cây xanh, đường hoa tạo dải liên tục trên toàn tuyến. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chất thải dọc các tuyến đường của xã, thị trấn được đảm bảo, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý. Hàng quý, hàng tháng xây dựng kế hoạch và tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã, thị trấn. Tăng cường đầu tư và xã hội hóa công tác thu gom và xử lý rác thải như phương tiện thu gom, đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Chỉnh trang các khu trung tâm, trường học, nhà văn hóa xã, thôn xanh, sạch, đẹp; vận động xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; nạo vét hệ thống mương thoát nước các tuyến đường thôn xóm tại các địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân về bảo vệ môi trường.
 
Song song với đó là thực hiện chương trình phát triển NTM trong quá trình đô thị hóa, đồng thời xây dựng Đức Trọng thành thị xã đến năm 2025. Theo kế hoạch, Đức Trọng quyết tâm phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 4 và tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, do vậy có 2 nội dung cần thực hiện. Đó là: Các xã, thị trấn dự kiến chuyển thành phường như thị trấn Liên Nghĩa và các xã Liên Hiệp, Hiệp Thạnh, Hiệp An, Phú Hội, Tân Hội, Ninh Gia thì đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kiến thiết đô thị theo tiêu chí đô thị loại 4; tập trung các công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư vốn ngân sách và thu hút đầu tư để phát triển, mở rộng khu dân cư, đô thị, cấp nước, thoát nước, cây xanh… Các xã còn lại thực hiện chương trình phát triển NTM trong quá trình đô thị hóa phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, và NTM kiểu mẫu.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
 
THY VŨ (thực hiện)