Ai đã cự tuyệt hòa bình?

03:07, 12/07/2019

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch xuyên tạc trắng trợn rằng Hà Nội khởi xướng chiến tranh phá vỡ Hiệp định Giơ-ne-vơ;...

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch xuyên tạc trắng trợn rằng Hà Nội khởi xướng chiến tranh phá vỡ Hiệp định Giơ-ne-vơ; nếu cộng sản không đem quân vào Nam thì sẽ không có cuộc chiến 20 năm; và rằng "miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, gây ra thảm cảnh máu đổ đầu rơi". 
 
 Hãy nhớ rằng…
 
65 năm trước, ngày 26/4/1954, tại thành phố Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hội nghị giải quyết vấn đề chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc (gọi tắt là Hội nghị Giơ-ne-vơ). Thành phần chính thức tham dự hội nghị gồm: Anh; Pháp; Liên Xô; Trung Quốc; Hoa Kỳ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Lào và Campuchia. Suốt 75 ngày ròng rã với 23 phiên họp hẹp và 8 phiên họp toàn thể, ngày 20/7/1954, hội nghị đã chính thức ký kết hiệp định đình chiến chờ tổng tuyển cử gồm 6 chương, 47 điều, theo đó là Tuyên bố chung ngày 21/7/1954 với các nội dung không thể xuyên tạc, trong đó đáng chú ý là các cam kết:
 
- Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nước ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.
 
- Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương.
 
- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được sử dụng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. "Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ." Thời gian tiến hành Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956, nghĩa là sẽ phải thực hiện sau 2 năm kể từ ngày hiệp định được ký kết.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tuyên bố “thật thà, lương thiện”
 
Tiên đoán về sự “bội ước” của những kẻ phía bên kia chiến tuyến, chỉ sau một ngày công bố tuyên bố chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi: "... Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ... Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta".
 
4 tháng sau, ngày 18/11/1954, trả lời phỏng vấn nhà báo Regards, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: "Chúng tôi thi hành triệt để các điều khoản đình chiến. Chúng tôi tiếc rằng các lực lượng Pháp không thi hành được như thế, mà còn làm trái nhiều là khác... Tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay (vấn đề di cư của người Công giáo sau khi Hiệp định được ký) ở miền Nam Việt Nam đáng lo ngại, vì bọn can thiệp Mỹ ngày càng nhúng vào một cách trắng trợn. Chắc chắn là đồng bào của chúng tôi ở miền Nam sẽ kiên quyết phản đối...”
 
Ngày 05/01/1955, trả lời phỏng vấn của hãng Thông tấn Press Trust Ấn Độ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự quyết tâm: "Một trong các nhiệm vụ cấp bách của chúng tôi là thi hành đúng đắn Hiệp định Giơ-ne-vơ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Trong sự thi hành nhiệm vụ đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác thành thật với tất cả những nhân vật hoặc nhóm Việt Nam nào tán thành ủng hộ những mục đích đó, bất kể xu hướng chính trị và tín ngưỡng khác nhau... Uỷ ban Quốc tế thành thực đôn đốc việc thi hành hiệp định và có thể có kết quả hơn nếu đối phương cũng thi hành hiệp định một cách lương thiện".
 
Thực hiện khát vọng đó của Người và của dân tộc, trong năm 1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi các đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ nhắc nhở Pháp về trách nhiệm thi hành Tổng tuyển cử. Tháng 6 năm 1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với Sài Gòn về việc thi hành Tổng tuyển cử, nhưng Ngô Đình Diệm đã công khai bác bỏ để biến miền Nam Việt Nam thành một nước độc lập, làm “con cưng” cho Mỹ. Thực hiện mưu đồ đó, ngày 23/10/1955, Diệm đã phế truất Bảo Đại và lên làm Tổng thống, thành lập Việt Nam Cộng hòa thay cho Quốc gia Việt Nam, ra sức củng cố quyền lực, đàn áp dã man những người kháng chiến cũ. Trước những vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 26/04/1956, trả lời phỏng vấn tờ “Tin nhanh” hàng ngày của nước Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì: "Hoà bình ở Việt Nam đang bị đe doạ vì Hiệp định Giơ-ne-vơ đang bị Chính quyền miền Nam vi phạm nghiêm trọng... Chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp đấu tranh bằng đường lối hoà bình để Hiệp định Giơ-ne-vơ được thực hiện triệt để". Tiếp đó ngày 13/07/1956, trả lời phỏng vấn Hãng thông tin Mỹ U.P, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có Tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thừa nhận...”.
 
Đáng tiếc, thành ý đó đã bị Mỹ - Diệm nhẫn tâm cự tuyệt.
 
Mỹ - Diệm vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ
 
Xin lưu ý rằng, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Mỹ từng tuyên bố ủng hộ nền hòa bình tại Việt Nam và thúc đẩy thống nhất bằng bầu cử tự do dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, khi những thông tin tình báo dự báo có khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh thì Mỹ đã thực sự lo ngại. Năm 1956, Allen Dulles chính thức đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower tiên đoán nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi", và rằng “Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát duy nhất là phớt lờ Hiệp định Giơ-ne-vơ”. Ngô Đình Diệm đã làm theo lời quan thầy Mỹ chờ ngày “thay ngôi đổi chủ”.
 
Ngày 26/4/1956, khi Pháp rút hết quân khỏi miền Nam, lập tức 2 ngày sau đó, Mỹ chính thức thay chân Pháp tổ chức huấn luyện quân đội Sài Gòn. Trước diễn biến trên, tháng 7/1956, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu các đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ tổ chức một hội nghị mới. Nhưng, lời đề nghị đó không được hồi đáp. Yêu cầu này lại được tiếp tục vào tháng 8/1956 nhưng cũng rơi vào im lặng. Sau đó, với thành ý của mình, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tiếp gởi yêu cầu đàm phán thực thi Tổng tuyển cử với Ngô Đình Diệm vào các thời điểm: Tháng 6, tháng 7/1957, tháng 3 và tháng 12/1958, tháng 7/1959 và tháng 7/1960, nhưng tất cả đều không được Mỹ - Diệm ứng xử một cách có trách nhiệm. Mỹ vội vàng đổ tiền của cho Ngô Đình Diệm xây dựng bộ máy chính quyền thuộc Mỹ, xây dựng quân đội, trang bị các loại phương tiện chiến tranh. Ngay từ năm 1955-1956, Mỹ đã bỏ ra 414 triệu đôla cho 170.000 quân thường trực Việt Nam Cộng hòa và 75.000 cảnh sát; 80% ngân sách quân sự của Diệm đều do Mỹ viện trợ. Từ năm 1955 đến năm 1960, Mỹ đã tổ chức 800 chuyến tàu vượt đại dương, ồ ạt chở vũ khí và phương tiện quân sự vào miền Nam Việt Nam. 
 
Để cứu vãn tình hình dù biết rất mong  manh, đầu năm 1961, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục gửi công hàm cho hai Chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ thông báo tình hình vi phạm hiệp định ở miền Nam Việt Nam và khẳng định: "Về phần mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn chủ trương tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ vì lợi ích của Nhân dân Việt Nam đồng thời vì lợi ích của hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á".
 
Nổ lực cuối cùng đó đã không đi đến đích.  
 
Mỹ-Diệm đã bóp chết hòa bình
 
Đi ngược lại thiện chí của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Diệm điên cuồng “diệt tận gốc” cộng sản để ngăn ngừa những cuộc đấu tranh chính trị đòi Tổng tuyển cử. Diệm ngang nhiên mở Chiến dịch "tố Cộng, diệt Cộng" truy tìm và tiêu diệt cộng sản Việt minh. Tháng 4/1959, Diệm hô hào “Bắc tiến” vừa thúc giục Mỹ tăng cường viện trợ, vừa là thông điệp “bóp chết hòa bình thống nhất thông qua Tổng tuyển cử”. Và ngày 6/5/1959, Diệm ban hành “Đạo Luật 10-59”, lê máy chém đi khắp các hang cùng ngõ hẻm “săn lùng” cộng sản với khẩu hiệu tàn ác “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Diệm ra lệnh: "Thấy cộng sản ở đâu là phải bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay” dù đó là điều nghiêm cấm được quy định rõ ràng trong Hiệp định Giơ-ne-vơ. 
 
Không ai khác, chính Mỹ - Diệm đã cự tuyệt hòa bình, biến ranh giới tạm thời hai năm thành đôi bờ chiến tuyến kéo dài suốt hai mươi năm. Miền Nam hiếm có ngày thôi máu đổ; miền Bắc bị dập vùi bởi hàng chục vạn tấn bom; dòng Bến Hải quặn đau, nhuộm đỏ máu người! Gần 2 triệu thường dân chết; hơn 2 triệu thường dân thương tật suốt đời; khoảng 2 triệu người phơi nhiễm chất độc da cam; khoảng 1,1 triệu liệt sĩ; 600.000 thương bệnh binh; 300.000 liệt sĩ mà xương cốt vẫn còn đâu đó trong lòng đất mẹ. Bên kia chiến tuyến, không dưới 250 ngàn người tử trận, hơn 1.100.000 người bị thương tật. Số thương vong của Mỹ và đồng minh không dưới 365.157 người, trong đó có 58.168 người tử trận; 1.875 người mất tích. Lương tri nhân loại thét gào tận phía bên kia bờ đại dương.
 
Mới đây, ngày 6/6/2019, trả lời phỏng vấn của Piers Morgan, nhân dịp thăm Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại cuộc chiến ở Việt Nam: "Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ cuộc chiến đó cả, tôi nói thẳng cho anh biết đó đã là cuộc chiến tồi tệ. Nó ở rất xa và khi đó, chả ai nghe về đất nước đó. Ngày hôm nay, họ đang sống rất tốt, họ là nhà thương thuyết siêu hạng, là doanh nhân tuyệt vời… Cuộc chiến đó là thứ mà chúng ta lẽ ra nên tham gia. 
 
Từ các lẽ trên, bác bỏ luận điệu của những kẻ cố tình bóp méo sự thật về Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Và nếu dùng chữ “nếu” để chỉ tội đồ cho cuộc chiến 20 năm, thì duy nhất chỉ có một chữ nếu: Nếu Diệm thiện tâm thi hành hiệp định, thì không bao giờ có cuộc chiến 20 năm. Vì vậy, tội đồ dân tộc trước hết là Ngô Đình Diệm, kẻ nhẫn tâm cự tuyệt hòa bình thống nhất, khom lưng “cõng rắn cắn gà nhà”; tiếp đó là nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ, thế lực ngoại bang đã hà hơi, tiếp sức, đưa quân viễn chinh bóp chết hòa bình thống nhất Việt Nam đã được quy định rõ ràng trong hiệp định và cuối cùng là nhà cầm quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ đã thiếu thật thà thực thi hiệp định.
 
65 năm ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, 44 năm Việt Nam thống nhất, mọi ân oán xưa đã nhường chỗ cho Việt Nam trên đường hội nhập và hưng thịnh. Bất cứ ai nhẫn tâm bôi nhọ lịch sử, khơi gợi hận thù, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, đất nước thì đều là tội đồ của quốc gia, dân tộc.   
 
HOÀI TRUNG