Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tiếp đoàn Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

QUỲNH UYỂN 09:21, 15/03/2023

(LĐ online) - Chiều 14/3, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiếp đoàn Đại sứ quán Úc tại Việt Nam do ông Kim Wimbush – Tham tán CSIRO, Giám đốc chương trình Aus4lnnovation dẫn đầu trong khuôn khổ Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên. Cùng dự có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các thành viên của chương trình. 

 

Hai bên đã cùng nhau trao đổi nội dung về tình hình hoạt động của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên; những thách thức, thế mạnh và cơ hội của tỉnh Lâm Đồng trong chuỗi giá trị cà phê, hồ tiêu và trái cây. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết về các đối tác trong diễn đàn, thúc đẩy sự tham gia của các bên vào hoạt động của diễn đàn. 
Thông tin về các lĩnh vực mà đoàn quan tâm, ông Phạm S đã thông tin: Lâm Đồng có cà phê năng suất lớn nhất, đạt sản lượng cao nhất Việt Nam. Cây ăn trái diện tích đứng sau 2 tỉnh Đắk Nông và Gia Lai; trong đó, bơ và sầu riêng là hai loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Lâm Đồng.
Nếu tính riêng sầu riêng, thì huyện Đạ Huoai là huyện có diện tích sầu riêng lớn nhất trong các huyện của 5 tỉnh Tây Nguyên và đã ứng dụng công nghệ số vào quy trình canh tác và thương mại. Giá trị cây bơ của Lâm Đồng có thể cao nhất toàn quốc, cao hơn giá trị trung bình so với thế giới, có thể bán 5 đô la/kg. Đó là giống bơ LĐ034, mỗi năm thu trên 100.000 tấn. Trong thời gian tới sẽ hợp tác với Úc để xây dựng nhà máy chế biến bơ tại Bảo Lộc. 
Lâm Đồng là một trong 5 địa phương của Việt Nam tiếp cận rất nhiều dự án ODA từ nguồn vốn tổ chức phi chính phủ của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Lâm Đồng cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước về canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Tỷ số năng suất nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Lâm Đồng cao hơn trung bình cả nước khoảng 14%.
Chương trình Aus4lnnovation với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam, trong đó Diễn đàn Sáng tạo Tây Nguyên ra mắt từ tháng 6/2022 là một trong những thành phần nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và sử dụng khoa học công nghệ để phát triển cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.
Sau 9 tháng hoạt động, Diễn đàn đã thành lập Ban Quản trị, lập ra các nhóm chuyên trách độc lập để điều hành các hoạt động Diễn đàn gồm:  Nhóm chuyển giao công nghệ, nhóm chuyên đề, nhóm tham vấn chính sách. Trong đó, thành phần chuyên trách là gồm các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đoàn đại biểu ghi nhận, từ khi Diễn đàn ra đời, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với tư cách là thành viên Ban Quản trị Diễn đàn đã thiết kế nhiều nội dung, ý tưởng thiết thực cho Diễn đàn. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng với tư cách là thành viên trong các nhóm chuyên trách đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý tưởng thúc đẩy Diễn đàn; trong đó, có ý tưởng phải lấy doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. 
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi về những khó khăn, thách thức của hai loại trái cây chủ lực của Lâm Đồng là cây bơ và sầu riêng. Đó là khó khăn trong việc tổ chức chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm hữu cơ (nông nghiệp an toàn - bền vững trên toàn thế giới), nhất là đối với cây cà phê; những thách thức trong việc giải bài toàn khó: vừa phát triển nông nghiệp vừa phát triển đô thị bền vững; vấn đề đào tạo cán bộ khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ thích ứng với nông nghiệp biến đổi khí hậu, Lâm Đồng cần được tham quan học tập những mô hình để kịp thời thích ứng; xây dựng mô hình cacbon thấp.

 

Nhân kỷ niệm năm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam – Úc, ông Phạm S mong muốn được tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư Úc 3 trong 1, đôi bên cùng có lợi. Trong đó, nhà đầu tư Úc có ba điều kiện để hợp tác: Cung cấp cái máy móc, công nghệ; quản trị doanh nghiệp kiểu Úc; sản phẩm quay lại phục vụ thị trường Úc – Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung cũng có 3 điều kiện, đó là: Đất đai, lao động, nguyên liệu.
Những mong muốn và đề xuất của ông Phạm S được đánh giá cao và hoàn toàn trùng khớp với mục tiêu đặt ra của Chương trình Aus4lnnovation và Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Tây Nguyên. Với sự hỗ trợ của Chương trình, thời gian tới Lâm Đồng sẽ có nhà máy chế biến bơ tại Bảo Lộc, không chỉ sơ chế cho quả bơ đạt chuẩn xuất khẩu mà còn chế biến thành 7 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cao cấp từ bơ. Nhà máy chế biến bơ tại Lâm Đồng cũng sẽ chia sẻ đầu ra cho vùng nguyên liệu bơ của 4 tỉnh Tây Nguyên còn lại. Chương trình cũng hứa sẽ kết nối với các Trung tâm nông nghiệp của Úc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, quản lý, kỹ thuật để phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng trong tương lai.